• :
  • :

Cảng Liên Chiểu sẽ góp phần tăng vị thế vịnh Đà Nẵng trên bản đồ thế giới

Cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến thu hút đầu tư, kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển logistics, thương mại, dịch vụ và góp phần làm tăng vị thế vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh (Ảnh Đ.Minh)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Cảng Đà Nẵng có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế và còn là vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh (Ảnh Đ.Minh)

Nằm ở vị trí kín gió, nước sâu, kết nối với hạ tầng giao thông huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây… cảng Liên Chiểu theo khảo sát, đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hoàn toàn đủ điều kiện để đầu tư thành cảng quốc tế với quy mô ngang với Tân Cảng (TP.HCM) và Lạch Huyện (Hải Phòng)…

Hội tụ đủ điều kiện đầu tư thành cảng quốc tế

Tận dụng lợi thế này, Đà Nẵng đã ấp ủ một kế hoạch dài hơi để đầu tư khu vực cảng này với nhiều lĩnh vực: đô thị cảng biển, logistics… Đến nay, dự án đã cơ bản chín muồi, ngày 14/12 TP Đà Nẵng chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Tham dự buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Cảng Đà Nẵng từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: “Nước sâu lại rộng, ngoài có cá núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây”.

Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng như thế nào.

“Hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại. Do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với cảng. Cảng Đà Nẵng có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là cảng Đà Nẵng hay không, việc này thành phố xem xét nghiên cứu”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo đó, việc khởi công dự án là bước cụ thể hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu TP Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (Ảnh Đ.Minh)

Các đại biểu tham dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu TP Đà Nẵng - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (Ảnh Đ.Minh)

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg năm 2021, Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Trung và một trong 3 cảng biển lớn nhất, trọng điểm Việt Nam ngoài khu Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) tại khu vực phía Bắc; Khu bến Cái Mép Thị Vải tại (Bà Rịa-Vũng Tàu) khu vực phía Nam.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh TP Đà Nẵng khẳng định, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và khu vực.

Vị trí xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng (Ảnh Đ.Minh)

Vị trí xây dựng Bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng (Ảnh Đ.Minh)

Cửa ngõ kết nối kinh tế tại miền Trung

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Cảng biển Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu.

Bến cảng Liên Chiểu có tổng diện tích 450ha, gồm các khu chức năng chính như cảng container gồm 8 bến với tổng chiều dài 2.750m; Khu bến tổng hợp gồm 6 bến chiều dài 1.550m; Khu bến thủy nội địa dài 1.200m; Khu bến hàng lỏng/khí: 6 bến bố trí tại khu vực đê chắn sóng; Khu kho bãi đường sắt kết nối trực tiếp khu bến Liên Chiểu; Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hành chính dịch vụ; Vành đai cây xanh cách ly.

Phần cơ sở hạ tầng dùng chung bến cảng Liên Chiểu có tổng nguồn vốn 3.426 tỷ đồng, bao gồm: Đê chắn sóng và kè chắn sóng dài 1.170m; Luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối cho các tàu tổng hợp, hàng rời và tàu container; Đường giao thông; Hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến 2025.

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho rằng khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh)

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, cho rằng xây dựng cảng Liên Chiểu là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng (Ảnh Đ.Minh)

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng cho rằng, cảng Liên Chiểu là một trong 7 dự án động lực thành phố Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư, khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu là đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Đà Nẵng.

Dự án cảng Liên Chiểu sẽ đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, CNTT… thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế sẽ là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Phú Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Phú Xuân - đại diện liên danh nhà thầu cho biết, Dự án bến cảng Liên Chiểu hoàn thành sẽ đưa TP Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hải lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2025 đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP Đà Nẵng tập trung xây dựng chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, trong đó có lĩnh vực cảng biển (Ảnh Đ.Minh)

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, TP Đà Nẵng tập trung xây dựng chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, trong đó có lĩnh vực cảng biển (Ảnh Đ.Minh)

Ứng dụng công nghệ hiện đại hướng đến mô hình “cảng xanh”

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện của thành phố, với nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn thách thức, đưa Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.

Theo đó, Đà Nẵng trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục đào tạo, y tế… đều phát triển với tốc độ cao, từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu dự án Cảng Liên Chiểu sau khi được đầu tư xây dựng sẽ dần thay thế cho Cảng Tiên Sa (Ảnh Đ.Minh)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu dự án Cảng Liên Chiểu (Ảnh Đ.Minh)

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền Đà Nẵng, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan triển khai 5 nội dung. Cụ thể, Cảng Liên Chiểu là công trình gương mẫu, tiên tiến, không thất thoát, không tham nhũng, đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025.

Bên cạnh đó, thành phố đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới; Đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.

Cuối cùng, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng; đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng lưu ý đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, do đó Đà Nẵng cần tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành.

việc khởi công dự án là bước cụ thể hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

Việc khởi công dự án là bước cụ thể hóa hiện thực mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng

Tổng mức đầu tư dự án là 3.426 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025.

Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Liên danh nhà thầu thi công dự án là Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco - Công ty CP Xây dựng Xuân Quang.

Lượt xem: 13
Tác giả: N. Dương - Đoàn Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...