Cách châu Âu sẵn sàng ứng phó khủng hoảng
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Chiến lược Liên minh sẵn sàng nhằm mục đích giúp các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng cũng như các mối đe dọa phức tạp, từ căng thẳng địa chính trị đến các thảm họa khí hậu.
Theo Euronews, Chiến lược Liên minh sẵn sàng do EC công bố bao gồm danh sách 30 hành động cụ thể mà các quốc gia thành viên EU cần thực hiện để tăng cường sự chuẩn bị trước các cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong tương lai, từ thảm họa thiên nhiên và tai nạn công nghiệp cho đến các cuộc tấn công mạng hoặc quân sự. EC nhấn mạnh, người dân và chính phủ các nước châu Âu cần thay đổi tư duy để xây dựng văn hóa “sẵn sàng ứng phó” và “năng lực chống chọi”.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels (Bỉ), Ủy viên EU về viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Hadja Lahbib nhấn mạnh: “Ở EU, chúng ta phải suy nghĩ khác đi vì các mối đe dọa ngày một lớn hơn”. Bà Lahbib cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng khối này đang gieo rắc nỗi sợ hãi không cần thiết. “Nhận thức được rủi ro và chuẩn bị cho chúng là điều ngược lại với việc tạo ra sự hoảng loạn và hành động phi lý như chúng ta có thể đã thấy trong đại dịch Covid-19”, bà Lahbib khẳng định, theo hãng tin DW. Có mặt tại buổi họp báo cùng bà Lahbib, Phó chủ tịch điều hành EC Roxana Mînzatu lưu ý, đại dịch Covid-19 đã chỉ ra rằng việc cùng nhau đoàn kết hành động, phối hợp trong khuôn khổ EU có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đạt được kết quả tốt hơn và trở nên mạnh mẽ hơn.
![]() |
Đội cứu hộ tại khu vực bị ngập lụt sau trận mưa lớn ở tỉnh Málaga, Tây Ban Nha, ngày 18-3-2025. Ảnh: euronews.com |
Một trong những vấn đề quan trọng được xác định trong chiến lược mới là tăng cường sự chuẩn bị của người dân trước khủng hoảng. EC kêu gọi các quốc gia thành viên EU bảo đảm công dân có bộ dụng cụ sinh tồn 72 giờ trong trường hợp họ bị cắt nguồn cung cấp thiết yếu. Một số quốc gia thành viên EU đã có những hướng dẫn. Ví dụ, Pháp kêu gọi sử dụng bộ dụng cụ sinh tồn trong 72 giờ bao gồm thực phẩm, nước, thuốc men, radio cầm tay, đèn pin, pin dự phòng, bộ sạc, tiền mặt, bản sao các giấy tờ quan trọng, đơn thuốc, chìa khóa dự phòng, quần áo ấm và các dụng cụ cơ bản như dao đa năng. EC cũng đề xuất chính phủ các nước tăng cường hệ thống cảnh báo, điều chỉnh chương trình giảng dạy ở trường học và triển khai các chương trình đào tạo để giúp người dân biết được những rủi ro mà họ phải đối mặt. Phó chủ tịch điều hành EC Mînzatu nêu rõ: “Bạn cần biết cách hành động, cách phản ứng nếu mất điện, nếu có động đất, nếu có lũ lụt lớn hoặc bất kỳ mối đe dọa nào. Làm thế nào để bạn tự bảo vệ mình? Bạn cần những nguồn lực nào? Điều quan trọng là chúng ta phải chuyển sang tư duy dự báo, lường trước rủi ro và phòng ngừa”.
Trong Chiến lược Liên minh sẵn sàng, EC cũng có kế hoạch mở Trung tâm điều phối khủng hoảng và tăng cường kho dự trữ chung hiện có của EU về hàng hóa như vaccine, thiết bị vận tải và thiết bị quan trọng để chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân. Các cuộc tập trận trên toàn EU nhằm tăng cường hợp tác dân sự và quân sự cũng nằm trong danh sách đề xuất hành động của EC.
Chiến lược mới được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố năm ngoái chỉ ra những lỗ hổng trong kế hoạch ứng phó thảm họa của các quốc gia thành viên EU và cách tiếp cận rời rạc trên toàn khối. Một quan chức EU gần đây cho rằng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, vấn đề an ninh trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngày càng nhiều công dân châu Âu. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng đang đe dọa châu Âu. Nhà nghiên cứu Emma Hakala tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan cho biết: “Hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều đã nhận ra rủi ro về khí hậu. Lũ lụt, mưa như trút nước và bão hoành hành trên khắp châu Âu”. Bà Hakala cũng chỉ ra các mối đe dọa khác, chẳng hạn như tấn công mạng vào bệnh viện có thể làm tê liệt cơ sở hạ tầng y tế công cộng.
Khi các mối đe dọa ngày càng gia tăng, EC hiện đặt mục tiêu thúc đẩy các quốc gia thành viên EU hành động nhiều hơn cũng như tăng cường hợp tác nội khối để ứng phó khủng hoảng. CNN dẫn tuyên bố của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen: “Thực tế mới đòi hỏi mức độ chuẩn bị mới ở châu Âu. Công dân, các quốc gia thành viên, doanh nghiệp trong EU cần công cụ phù hợp để hành động nhằm ngăn ngừa khủng hoảng và phản ứng nhanh khi xảy ra thảm họa”.
LÂM ANH