Vọng tiếng kẻng làng
“Âm thanh nào từng nén lại/ Âm thành nào từng bung ra/ Giờ cũng đều hóa bình minh trên chóp núi”...
Tiếng kẻng vang lên từng nhịp, âm thanh vạm vỡ, chia đều khắp ngả, loang đến tận núi tai mèo rồi vọng lại. Người quê tôi dù đánh cá dưới sông Cầu, bẻ ngô trên nương hay kiếm măng trên đồi Bộ Đội cũng đều nghe được. Mỗi khi trong làng có việc chung hoặc cần tập hợp bà con, bác trưởng thôn lại dùng tiếng kẻng để hiệu triệu thay vì đến từng nhà thông báo. Thứ âm thanh quen thuộc và gắn bó với làng tôi đã gần nửa thế kỷ.
Chiếc kẻng treo dưới gốc cây thàn mát giữa làng, trông nó có vẻ lầm lũi và nặng nhọc. Bản chất của một khối kim loại thì không nhẹ, đương nhiên rồi, song nó nặng bởi ôm chứa muôn vàn câu chuyện của thời gian, lịch sử trong lớp vỏ xù xì, hoen gỉ ấy. Mỗi khi âm thanh “khổng lồ” vút bổng lên vang vọng khắp núi rừng, cùng lúc, bấy nhiêu câu chuyện được mở ra trong tâm thức mỗi người.
![]() |
Ảnh minh họa: VnExpress |
Từ tấm bé, tôi đã được ông nội kể rằng chiếc kẻng đó xuất thân là một quả bom của quân xâm lược trút xuống bìa rừng, ơn trời nó không phát nổ. Các chú bộ đội công binh đã tài tình gỡ phần thuốc nổ một cách an toàn, để lại vẹn nguyên hình hài chiếc vỏ bom. Mọi người cùng nhau khiêng về treo dưới gốc cây thàn mát cổ thụ. Cũng từ đó, người làng tôi thay đổi cách gọi từ “vỏ bom” thành “chiếc kẻng làng” bởi nó đã mang một sứ mệnh khác ý nghĩa hơn. Tôi ngước nhìn ông bằng ánh mắt ngây thơ hỏi: “Sao các bác không bán vỏ bom cho bác sắt vụn để lấy tiền ông nhỉ?”, ông trìu mến bảo: “Nó cần được giữ lại để làm kỷ niệm, lớn lên con sẽ hiểu”. Chúng tôi hễ có dịp đi ngang qua lại đứng túm tụm ngắm nghía, chạm vào và rủ nhau cùng gõ kẻng. Những đứa trẻ hồn nhiên, hăng hái đi tìm thanh củi nhỏ rồi chuyền tay nhau gõ, tiếng keng keng dội lại đanh tai, nhưng cũng chỉ đủ làm giật mình bầy gà chiêm chiếp kiếm mồi xung quanh.
Sau này, tôi nhận ra vỏ bom chính là một phần chứng tích còn sót lại của chiến tranh, nếu chiếc vỏ bom ấy không là chiếc kẻng huyên náo thì sẽ mãi là sự lặng im không lời, lẫn vào nơi đâu đó xa xăm. Thi thoảng tôi được nghe câu chuyện thời xa lắc của ông nội về một giai đoạn quê hương lao động sản xuất kinh tế theo mô hình hợp tác xã, tiếng kẻng là âm thanh quen thuộc, gần gũi, báo hiệu cho mọi nhà đi làm đúng giờ. Sau hồi kẻng rộn rã, thúc giục là tiếng bước chân hối hả vang rộn khắp các ngả đường. Tiếng kẻng thưa dần theo năm tháng, âm thanh báo hiệu giờ đi làm hợp tác xã chỉ còn trong ký ức của những người già.
Những ngày nghỉ ít ỏi ở quê, tôi tranh thủ đi thăm xóm làng, vườn tược. Trong tiết trời mưa rây rây, tôi ngang cây thàn mát cổ thụ, chiếc kẻng ưu tư còn đó. Mùa này thàn mát nở miên man hoa trắng, tỏa hương thơm ngát một góc xóm nhỏ yêu dấu của tôi. Sớm nay, khi tiếng kẻng vang lên gióng giả, tôi đã xúc động nhường nào. Dường như âm thanh ấy đã đánh thức tôi về những gì sâu thẳm nhất. Trên đường làng, bà con tay cuốc tay xẻng đi lao động công ích, khơi mương dẫn nước về cánh đồng vụ xuân. Bố tôi bảo, bây giờ các phương tiện thông tin nhanh nhạy, hiệu quả hơn nhưng chiếc kẻng vẫn còn giữ câu chuyện của riêng nó, người làng mình giữ gìn như cách cha ông ta từng trân quý.
Sau tiếng kẻng, bầy chim trên vòm cây bị đánh động vội đập cánh bay lên không trung, những đôi cánh bé nhỏ lượn vòng quanh rồi trở lại tán lá bình yên, cất tiếng hót ríu ran. Nghe tiếng kẻng, tôi nhớ nội, nhớ những buổi chiều tuổi thơ nghe kẻng lại thoăn thoắt nhặt rau, chuẩn bị cơm nước tinh tươm để bố mẹ đi làm về kịp ăn tối, còn đi họp. Ôi kẻng làng, vọng về trong tôi những âm thanh ký ức.
HƯƠNG LY