Sức hấp dẫn của văn học về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng
Đầu tháng 10-2024, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ” đã nhận được sự tham gia sâu rộng với 114 tham luận khoa học của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu phê bình, giảng viên, sinh viên các trường đại học, thầy, cô giáo, các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước đã cho thấy sự phong phú, sâu sắc, sức hấp dẫn mang tính quốc tế của đề tài trên.
Đầu tháng 10-2024, Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ” đã nhận được sự tham gia sâu rộng với 114 tham luận khoa học của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu phê bình, giảng viên, sinh viên các trường đại học, thầy, cô giáo, các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài nước đã cho thấy sự phong phú, sâu sắc, sức hấp dẫn mang tính quốc tế của đề tài trên. Đây cũng là một dấu hiệu tích cực về nghiên cứu và giảng dạy văn học trong hệ thống giáo dục-đào tạo ở nước ta hiện nay.
1. Các tham luận tại hội thảo cho thấy sức hấp dẫn của đề tài văn học người lính và chiến tranh cách mạng không chỉ ăn sâu bám rễ trong đời sống văn học, đời sống nhân dân mà còn đang có sự chuyển động mạnh mẽ.
![]() |
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ” năm 2024. Ảnh: THÀNH DUY |
Trước hết, các tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều trên tinh thần ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi sự chính nghĩa của người Việt Nam. Trong các cuộc kháng chiến, đã có nhiều người con ưu tú hy sinh vì Tổ quốc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đó chính là vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam trong chiến tranh. Với hiện thực phong phú và có chiều sâu, các tác phẩm văn học về chiến tranh đều tạo dựng hình tượng con người, nhất là người chiến sĩ cao đẹp và nhân văn. Đây chính là diện mạo chung của văn học Việt Nam về chiến tranh.
Với cảm hứng phản ánh hiện thực thời chiến trên tinh thần chủ nghĩa yêu nước, các tác phẩm văn học đã tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh với sự trung thực của ngòi bút để từ đó chứng minh sức sống mãnh liệt của con người, nhất là người chiến sĩ trong những tình huống cụ thể. Đó là một trong những thành tựu nổi trội trong các tác phẩm văn học về chiến tranh. Đội ngũ văn nghệ sĩ, thông qua tác phẩm làm cho chúng ta hiểu rằng, văn hóa, văn học, nghệ thuật thực sự là sức mạnh to lớn của dân tộc ta, nhân dân ta và Quân đội ta.
Thực tiễn sinh động cũng như lời dạy của Bác “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” là khái quát nhất về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đảng ta coi văn hóa, văn học, nghệ thuật không phải là thứ để chiêm nghiệm cá nhân, nghiên cứu, để giải trí, mà là sức mạnh tâm hồn của mỗi người, từ đó kết tinh thành sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội luôn đóng một vai trò đặc biệt đối với đời sống tinh thần của người chiến sĩ, là cầu nối giữa người chiến sĩ với quê hương, đất nước và nhân dân.
2. Từ bầu trời với những khung hình như thế, liệu có thể mở ra những ô cửa sáng tạo để phục vụ nhân dân và Tổ quốc hay không? Đó là câu hỏi mà các thế hệ văn nghệ sĩ trong đó có đội hình văn nghệ sĩ Quân đội phải trả lời bằng những tác phẩm hữu ích nhất. Thật đáng tự hào, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong thời bình hôm nay, câu trả lời luôn là những ô cửa tác phẩm mở rộng tới các chân trời mà người chiến sĩ và nhân dân đón đợi.
Bằng tác phẩm xuất sắc của mình, các nhà văn Quân đội đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật như: Nguyễn Thi với các tác phẩm: "Người mẹ cầm súng", "Ở xã Trung Nghĩa", "Trăng sáng", "Đôi bạn"; Nguyễn Minh Châu với các tác phẩm: "Dấu chân người lính", "Cửa sông", "Cỏ lau", "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành"; Hồ Phương với các tác phẩm: "Ngàn dâu", "Những cánh rừng lá đỏ"; Hữu Thỉnh với các tác phẩm: "Thương lượng với thời gian", "Trường ca biển"; Xuân Thiều với tác phẩm "Huế mùa mai đỏ"; Thu Bồn với các tác phẩm: "Chớp trắng", "Vùng pháo sáng", "Dưới tro"; Hữu Mai với các tác phẩm: "Đêm yên tĩnh", "Người lữ hành lặng lẽ".
Bên cạnh đó có hàng chục nhà văn khác được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng và các giải văn học quốc tế (Bông Sen, ASEAN, Sông Mê Công). Chỉ tính riêng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có tới 33 nhà văn, nhà thơ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Đội ngũ các nhà văn, đặc biệt là lớp nhà văn trẻ xuất hiện và được khẳng định. Nhiều tác phẩm gây tiếng vang và là những thương phẩm văn học đặc thù, truyền thống. Những thanh âm trong trẻo, hữu ích đến với bộ đội, đến với nhân dân. Các nhà văn Quân đội không chỉ có mặt trên mỗi trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các nhà văn Quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hằng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn-chiến sĩ.
Hằng năm, các nhà văn Quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ được giao nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn trong và ngoài Quân đội.
Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại phát huy cao độ rất nhiều giá trị cốt lõi nhân văn. Một trong những biểu hiện đặc sắc là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Cả thế giới dường như chưa có được hình ảnh nào sâu sắc và gần gũi, nhân văn như thế.
Vậy tư duy xây dựng con người mới về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới hiện nay phải như thế nào? Người chiến sĩ hôm nay, Bộ đội Cụ Hồ hôm nay phải luôn xác định sâu sắc rằng người trước, súng sau. Đó là nhân tố quyết định mọi vấn đề. Bản chất của con người mới Bộ đội Cụ Hồ chính là con người kết tinh văn hóa Việt Nam, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh.
Chúng ta phải vừa khơi gợi vừa tin tưởng vào mỗi người chiến sĩ đã và đang làm tốt mọi nhiệm vụ để có được hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Người Việt Nam rất nhân văn. Người chiến sĩ càng giản dị, sáng trong và rất kiên cường. Từ thực tiễn ấy, từ bầu trời và ô cửa ấy, các tác phẩm văn học, nghệ thuật cần khai thác và biểu hiện thiết thực để góp phần tạo dựng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Tôi luôn tin tưởng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ sẽ mãi là niềm cảm hứng để đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội có những tác phẩm xứng với kỳ vọng của nhân dân.
3. Có thể khẳng định rằng, sức hấp dẫn của văn học người lính và những định hướng cơ bản trong xây dựng đội ngũ nhà văn trẻ viết về người lính và chiến tranh đã và đang tạo ra một nhánh lớn, một xu hướng mạnh mẽ, sâu rộng và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đang hình thành một đội ngũ những cây bút sung sức và trẻ tuổi viết về người lính và chiến tranh.
Có thể kể ra đây một số tên tuổi tiêu biểu như: Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Trần Thanh Hà, Như Bình, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Vân Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều, Nguyễn Minh Cường, Đinh Phương, Đoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Nguyễn Phú... Những nhân tố này đã và đang tạo dựng phần nền tảng dài rộng để hướng tới có những tác phẩm đỉnh cao viết về người lính và chiến tranh cách mạng.
Đã là người dân nước Việt Nam, ai cũng mong muốn đất nước hòa bình để phát triển. Bây giờ là mơ ước để mình trở thành một nước giàu mạnh, do vậy, rất cần đến xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật phát triển lành mạnh để góp phần xây dựng tiềm lực văn hóa tinh thần của đất nước. Nhớ lại trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội đã rực sáng với những tên tuổi lớn trong văn học, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, phim ảnh...
Chính từ đó, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng và mãi lấp lánh trong tâm thức nhân dân. Bộ đội ta đẹp lắm, nhân văn lắm, nhiều hành động trong thời bình cũng rất anh hùng là mảnh đất màu mỡ để các văn nghệ sĩ khắc họa và sáng tạo. Hãy tìm những gì thật bình dị để đồng hành, sẻ chia. Người chiến sĩ và nhân dân đang chờ các tác phẩm của chúng ta. Làm tốt điều đó chính là để góp phần khẳng định: Văn hóa nghệ thuật đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Văn học, nghệ thuật luôn mang trong mình sức mạnh tinh thần to lớn. Đó cũng là nội lực để phát triển. Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội, trọng trách và niềm tin để tiếp tục trau dồi và có được nền tảng tri thức sâu sắc trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội và nhân dân.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI