• :
  • :

Nhìn thẳng - Nói thật: Quản lý văn học bằng lý, bằng tình

Văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác, mang trong mình sứ mệnh cao cả đối với xã hội con người. Với hàng loạt chức năng quan trọng như giáo dục, thẩm mỹ, nhận thức, giải trí, dự báo... văn học có tác dụng giúp đời sống con người trở nên phong phú hơn, tốt đẹp và nhân văn hơn.

Mặt khác với tư cách loại hình nghệ thuật, văn học đề cao tính sáng tạo, sự tự do trong sáng tạo, cá tính của người nghệ sĩ. Mọi sự khuôn mẫu, rập khuôn, máy móc đều khiến “văn chương lâm nguy”, trở thành thứ nghệ thuật xơ cứng, thô ráp, không có linh hồn, không có sức sống. Và dĩ nhiên những tác phẩm như thế sẽ bị quên lãng vì không có tác dụng tích cực gì đối với con người cũng như sự phát triển của thể loại. Sự tự do trong sáng tạo văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung là điều cần phải được tôn trọng.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc văn học có tự do tuyệt đối, không cần sự quản lý của các cơ quan chức năng. Cái gì cũng có tính hai mặt. Văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung có thể cứu người, nâng đỡ tâm hồn con người, nhưng cũng có thể hại người, thậm chí phương hại đến cả một quốc gia, dân tộc. Chẳng thế mà từ trước, các cụ nhà ta đã khuyên con cháu “cảnh giác”, không được đọc các loại “dâm thư”, “tà thư”... Nhìn rộng ra thế giới, chúng ta sẽ thấy việc văn học chịu sự định hướng, quản lý là chuyện bình thường.

 Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn

Trong bài viết “Về loại tiểu thuyết bị cấm trong lịch sử Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Phương Lựu cho biết: Vào đời Tống, năm Hiếu Tông thứ 7, triều đình đã “ra lệnh cấm khắc in những “dị thuyết thư tịch”. Đời Minh, một trong tứ đại kỳ thư của văn học cổ điển Trung Quốc là “Thủy hử” bị xem là “tặc thư”, đã ra lệnh cấm, hủy.

Ở phương Tây, việc quản lý văn học cũng diễn ra một cách bình thường. Tiểu thuyết nổi tiếng “Ulysses” (1922) của James Joyce bị cấm ở Mỹ, Anh vì lý do “đồi trụy” đến tận những năm 30 của thế kỷ trước. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với kiệt tác “Lolita” của Nabokov. Theo dịch giả Dương Tường, tác phẩm bị cấm xuất bản ở Mỹ, Anh, Pháp vì những cáo buộc liên quan đến văn hóa phẩm đồi trụy.

Những dẫn dụ ở trên phản ánh hai điều. Thứ nhất, quản lý văn học là việc làm đương nhiên của bất cứ quốc gia, chế độ nào. Không có một quốc gia nào, dân chủ đến mấy, tự do đến mấy lại không quản lý văn học. Câu nói kinh điển của triết gia người Pháp Jean-Baptiste Say: “Không có con đê pháp luật án ngữ thì tự do chỉ là một dòng sông phá hoại” đúng trong mọi trường hợp, mà văn chương không ngoại lệ. Thứ hai, quan trọng hơn, việc quản lý văn học cần khéo léo, tinh tế của cơ quan quản lý. Văn chương vốn đa nghĩa, đặc biệt tinh tế nên có nhiều cách đọc, cách hiểu khác nhau. Việc quy chụp một cách thô thiển, chỉ đạo bằng cách ra mệnh lệnh cứng nhắc sẽ dẫn đến những hậu quả, sai lầm nghiêm trọng như trường hợp các kiệt tác văn học ở trên gặp phải, ngay ở các nước tự xưng là dân chủ, tiên tiến nhất. Do đó, cách quản lý văn học tốt nhất chính là sự định hướng, dẫn dắt người viết hướng đến các giá trị nhân văn, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, với thời đại mình sinh sống. Để làm được điều đó đòi hỏi đội ngũ làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước, tham mưu về văn học-nghệ thuật thực sự phải có tâm và có tầm.

Quản lý mà như không quản lý thì phải quản lý theo hướng có lý, có tình, “đánh vào nhân tâm” nhà văn, khiến họ tự ý thức được những gì cần làm và không nên làm, những gì cần viết và không nên viết. Nếu làm được như vậy nền văn học mới có bệ đỡ vững chắc để phát triển mạnh mẽ.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Tags: Văn học