• :
  • :

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi/Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi/Này em hát khúc tương tư nhé/Ngâm khẽ em ơi nhẹ nhẹ lời.

Sao đàn u hoài gì mùa thu?

Sao đàn u hoài gì mùa thu?
Tri âm nghe thử dây đồng vọng
Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru

Như Tử Kỳ nghe nhạc Bá Nha
Em nghe anh dạo khúc thu xa
Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ
Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà

Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi

Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương
Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương
Dòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác
Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc
Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh.

VĂN CAO

Lời bình của Tiến sĩ Phan Tuấn Anh

Huế là cái nôi của thi ca, cũng là niềm cảm hứng sáng tạo bất tận đối với thi sĩ. Và sông Hương là hình tượng trung tâm trong hầu hết tác phẩm viết về/tại Huế. “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ Văn Cao là một thi phẩm đặc biệt, độc đáo và chứa đựng rất nhiều cách tân trong nghệ thuật thi ca khi viết về sông Hương nói riêng, cố đô Huế nói chung.

 Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Báo Lao động

Những sáng tác của Văn Cao vừa có tính cách tân mạnh mẽ về mặt hình thức nghệ thuật, lại có tính nguyên hợp liên văn bản giữa các bộ môn nghệ thuật. Có thể thấy, vì vừa có khả năng sáng tạo, tư duy bằng văn học (thi ca), lại vừa có khả năng tư duy bằng âm nhạc và hội họa nên trong sáng tác của Văn Cao, cái nhìn hữu hình, ấn tượng được hòa quyện với thanh âm cụ thể và chiều sâu về mặt triết lý. Cảm tính và lý tính luôn hòa quyện trong sáng tác của ông.

Thi phẩm "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" được viết nhân một dịp Văn Cao vào Huế tham quan, khi ông chỉ mới khoảng 17 tuổi, độ tuổi mà thi sĩ Chế Lan Viết viết “Điêu tàn”. Năm 1986, trong một bức thư gửi cho Tạp chí Sông Hương, Văn Cao tâm sự: “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Ðối với nơi đó, người ta phải suy nghĩ nhiều không về lịch sử mà về một nền văn hóa. Những người Huế sống tự hào và đầy sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế đã giúp tôi làm được âm nhạc và thơ”. Văn Cao có một cách định danh dòng sông Hương ở Huế rất riêng, mang dấu ấn của riêng ông, đó là “dòng sông Huế”.

Đọc thi phẩm này, chúng ta nhận ra nét đặc trưng nghệ thuật đầu tiên, đó là nhạc tính rõ nét của nó. Bởi Văn Cao, dù đa tài, thì trước tiên và nổi bật nhất vẫn là một nhạc sĩ. Thi phẩm viết về Huế dày đặc những hình thức điệp vần, những hình thức lặp câu, những câu thơ tràn ngập thanh ngang tạo ra một thứ nhạc tính miên man. Ví dụ: “Nẩy nẩy tơ đồng nhịp nhịp đôi/ Lòng nâng ngòn ngọt lại đầu môi”.

Bài thơ cũng không phải ngẫu nhiên khi lấy đối tượng ca sĩ/kỹ nữ trên sông Hương cùng âm nhạc của nàng làm đối tượng miêu tả. Khác với những thi sĩ khác viết về cùng đề tài này, trên các phương diện khác nhau như chính trị, xã hội, tình ái... Văn Cao chọn góc độ âm nhạc khi viết về ca nữ trên sông Hương, mảng nghệ thuật mà ông sở trường và đam mê nhất. Chính vì vậy, "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" đặc biệt ở chỗ là một tác phẩm văn học viết về âm thanh/nhạc: “Tri âm nghe thử dây đồng vọng/ Lạc lõng đêm vàng khi nhạc ru”.

Hiếm có thi phẩm nào nhiều thanh âm và giai điệu đến như vậy. Nhưng đặc biệt, âm nhạc trong thơ Văn Cao đã gần như được khắc tạc bởi cái nhìn hữu hình, được hình tượng hóa, bên cạnh tính cảm tính nguyên thủy, vô hình của âm thanh. Có thể thấy, thi phẩm "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" đã để lại cho thi đàn bức tranh thủy mặc sông nước xứ Huế đẹp đến nao lòng, tiêu biểu qua câu thơ: “Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà”. Hoặc những hình ảnh đẹp khác mà ta không dễ tìm thấy trong làng thơ: “Dòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác/ Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương”. Có thể thấy, dấu ấn của thơ tượng trưng và siêu thực khá rõ trong sáng tác của Văn Cao. Hình ảnh, hình tượng và nhạc tính của bài thơ là những minh chứng tiêu biểu. Đó hoàn toàn không phải là bức tranh và âm thanh hữu hình của hiện thực, mà đã được khúc xạ, mờ hóa qua hệ thống biểu đạt riêng đầy cảm tính, ảo diệu của người nghệ sĩ. Ở điểm này, có thể thấy Văn Cao đã đi xa hơn phong trào Thơ mới nửa bước chân, để vắt sang bờ siêu thực, tượng trưng. Đó lẽ nào là lý do ông không gọi sông Hương mà lại định danh riêng là sông Huế?

Tags: sông Huế
Lượt xem: 1
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết