Khi số vụ tham nhũng bị phát hiện tăng cao
Ngày 21-11, trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn số liệu thống kê, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 51,63% về số vụ, tăng 96,85% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 346,88% so với năm 2022.
Nhìn từ số liệu thống kê với các tỷ lệ phát hiện hành vi phạm tội tham nhũng tăng mạnh cho thấy rất rõ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang được thực hiện với tinh thần đấu tranh liên tục, ngày càng ráo riết, quyết liệt, thực hiện đúng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", làm cho bộ máy công quyền ngày càng trong sạch hơn.
Có ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đang bị "làm quá", dẫn tới tình trạng cán bộ không dám làm và không muốn làm. Thế nhưng đó chỉ là lời nói bao biện cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có suy nghĩ không trong sạch, chỉ nhăm nhăm tìm cách nhũng nhiễu, tham ô, hối lộ và chỉ khi nhũng nhiễu, tham ô được thì mới chịu làm việc. Nếu có những cán bộ, công chức, viên chức như vậy trong bộ máy, chúng ta cũng chẳng có gì phải nuối tiếc nếu thẳng tay xử lý, sa thải...
Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta phải có chính sách như thế nào để cán bộ, công chức, viên chức không cần phải tham nhũng, tiêu cực? Khi tiền lương khu vực công chí ít bằng hoặc cao hơn tiền lương khu vực tư, cán bộ, công chức, viên chức có cuộc sống bảo đảm, lo được cho gia đình, thì cán bộ, công chức mới thực sự không cần đánh đổi cả vị trí việc làm, tương lai của mình và gia đình để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho việc thực hiện cải cách tiền lương còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nên thời gian qua lộ trình cải cách tiền lương chưa thực hiện được, chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn.
Thực tế, những vụ tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy rất rõ những thiệt hại khổng lồ về kinh tế và thiệt hại đó cao hơn nhiều lần số tiền cần có để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương mỗi năm. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là bên cạnh việc "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", chúng ta cũng cần ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực và cần có cơ chế rõ ràng trong việc ưu tiên dành nguồn lực có được từ thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực để đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.
THÙY LÂM