• :
  • :

Kết nối văn hóa đọc: Ngợi ca sự sống, tình yêu trong lửa đạn

Hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã góp phần khẳng định chân lý trong lịch sử tư tưởng nhân loại: Lòng yêu nước, yêu hòa bình, ý chí quyết hy sinh vì độc lập, tự do sẽ tạo nên sức mạnh và lương tâm thời đại.

Ở trong văn học, tư tưởng ấy kết thành những bức tượng đài được điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ vang vọng âm hưởng sử thi hùng tráng bài ca giữ nước. Trường ca là thể loại thích hợp hơn cả. Điều đó phần nào tìm thấy trong trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của Châu La Việt (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2024) với bối cảnh những năm tháng chống Mỹ ác liệt nhất.

Bìa cuốn sách

Một nhân vật trữ tình trung tâm là người nữ chiến sĩ, nghệ sĩ Tô Lan Phương tràn trề sức trẻ và tình yêu: Tuổi 20 như tia nắng mặt trời/ Những gương mặt sáng ngời lý tưởng/ Chọn sân khấu nơi miền Nam lửa đạn/ Người chiến sĩ và khúc hát trên môi. Theo lời Tổ quốc gọi, cô đã lên đường vào Nam chiến đấu. Nơi cô đến là vùng “đất lửa Tây Ninh” nóng bỏng, ác liệt nên nghệ sĩ cũng đồng thời phải là người lính trực tiếp cầm súng. Nhưng với họ, vượt lên trên bom đạn còn dễ dàng hơn vượt qua nỗi nhớ da diết. Điểm nhìn cảm xúc được trao cho nhân vật bộc lộ, giãi bày: Có những đêm đi biểu diễn tối trời/ Mắc chiếc võng nằm ngắm vầng trăng sáng/ Nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, bè bạn/ Úp mặt xuống võng mặc cho nước mắt rơi...

Vầng trăng ở đây “xẻ đôi” không gian: Một miền quê yêu dấu có mẹ cha, bè bạn và một vùng không gian chiến tranh nơi “miền đất lửa”. “Ngắm vầng trăng” cũng là ngắm về quê. “Nước mắt rơi” như một tất yếu của trạng thái tình cảm nhớ nhà, nhớ cha mẹ, bạn bè... Đó là những phút xao lòng mà ai cũng có khi xa quê, nhất là ở thời điểm đối mặt với sự dữ dội của chiến tranh thì giây phút ấy càng day dứt, mãnh liệt. Cần có một điểm tựa, với người chiến sĩ, điểm tựa ấy là truyền thống cách mạng quê hương: Em đã mang cây đào thắm đỏ ấy/ Những tháng ngày vượt nắng lửa Trường Sơn/ Em đã mang cây đào như lửa cháy/ Trong tim mình những năm tháng chiến trường... “Cây đào như lửa cháy”, một biểu trưng ý nghĩa về sự kế thừa, tiếp nối giữa hai thế hệ chống Pháp và chống Mỹ.

Sợi chỉ xuyên suốt trường ca là câu chuyện về hai con người cùng điểm xuất phát làng quê Xuân Cầu văn hiến, yêu nước; điểm gặp gỡ là chiến trường: Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu/ Ông đã tới với chiến trường rất sớm/ Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng/ Ông sẽ yêu như chính quê hương mình... Như một logic nghệ thuật, hai không gian nghệ thuật trữ tình đồng hiện theo sự quy chiếu của hai cái tôi tâm trạng. Khi họ gặp nhau thì hai không gian ấy ánh xạ vào nhau để cùng tỏa ra thứ ánh sáng nhân văn về tình yêu cội nguồn, tình đồng hương, cao hơn cả là tình yêu nước, tình đồng chí. 

Hai người lính, hai thế hệ ngẫu nhiên gặp nhau trong không gian thật đặc biệt: Chú với cháu cùng quê hương Xuân Cầu/ Vườn nhà cháu ngày xưa chú thường sang hái quả/ Chú cũng họ Tô, là đội trưởng thiếu nhi từ nhỏ/ Đi rải truyền đơn, đi canh gác cho ông cháu họp hành. Ngoài tình đồng chí, đồng hương còn là nghĩa tình chú cháu chung không gian hoài niệm ngày xưa... Tác phẩm chỉ khép lại về câu chữ để vang ngân ra âm hưởng của bài ca về sự sống, tình yêu và hy vọng. Có rừng xưa xanh bóng, có âm thanh tiếng chim, có mùa xuân bát ngát. Một bức tranh có cả cận cảnh và viễn cảnh, có cả tiếng hát xưa vọng về.

Âm vang sử thi là cầu nối đưa hôm qua về với hôm nay. Không chỉ một “tôi” mà có rất nhiều con tim đồng vọng với bao bồi hồi, xúc động trong rất đỗi tin yêu, tự hào: Hôm nay tôi về Tây Ninh/ Căn cứ xưa với rất nhiều chim hót/ Rừng tươi xanh như mùa xuân bát ngát/ Lại nhớ bài hát người nghệ sĩ năm xưa!

NGUYÊN THANH

Lượt xem: 9
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...