Hôi của
Theo VnExpress, "chị Lịch, 38 tuổi cho biết, lúc 23h50 ngày 5.7 đang lái xe chở bốn tấn vải thiều trên đường về nhà ở xã Lạc Sơn, Phú Thọ thì gặp tai nạn ở xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội.
Hình ảnh người dân cầm bao ra nhặt vải chất đống ven đường thuộc xã Dân Hòa, Hà Nội sáng 6.7 được chia sẻ trên mạng xã hội
Chiếc xe tải bị lật úp, toàn bộ số hoa quả đổ ra đường. Được người đi đường hỗ trợ gọi xe cứu hộ, vợ chồng chị Lịch đưa xe vào gara cách đó 2 km sửa chữa". Sự việc không có gì đáng nói nếu như "khoảng 4h sáng 6.7, khi quay lại nơi xe gặp nạn, chị thấy hàng chục người đang xúm vào lấy vải.
Người phụ nữ can ngăn, giải thích đây là tài sản của gia đình nhưng một số người vẫn tiếp tục. Bất lực, vợ chồng chị bắt xe về quê, chấp nhận mất tài sản".
Dân đã thế, “quan” cũng chẳng khá hơn.
Cũng theo VnExpress, đại diện UBND xã Dân Hòa cho biết có nắm được thông tin về vụ xe tải chở vải bị lật trên địa bàn và lý giải “… nhiều người dân đi qua khu vực thấy vải đổ chất đống ven đường, không có ai trông coi nên “tiếc của” nhặt về”.
Không biết đó là câu nói người dân phân bua sau khi vụ việc xảy ra hay là của chính vị đại diện UBND xã, nhưng cho dù là của ai cũng không thể chấp nhận. Là cán bộ xã càng không thể phát ngôn hồn nhiên như vậy.
Ơ kìa, sao nghiễm nhiên xem “không có ai trông coi” nên vô tư “nhặt về”? Cứ với lý lẽ như thế, vô số tài sản khác ở ngoài xã hội đều có thể tiện tay lượm về nhà.
Xin lỗi, đó chỉ là nguỵ biện. “Không có ai trông coi” và vô chủ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Theo luật định, tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Trong đó thái độ chủ quan của chủ sở hữu đối với việc bỏ lại tài sản phải là cố ý. Huống chi trong trường hợp này, theo như VnExpress phản ánh, “người phụ nữ can ngăn, giải thích đây là tài sản của gia đình nhưng một số người vẫn tiếp tục”!
Trong hình ảnh bị tung hê trên các mặt báo, không ít người còn mang hẳn bao tải chỗm chịa, hả hê trên đống vải. Dân mạng mỉa mai: Chắc hẳn còn chạy về nhà gần đó lấy bao tải ra để vơ vét chứ “tiếc của” cái nỗi gì?
Vụ việc làm nhớ lại hình ảnh hơn 10 năm trước, năm 2013, tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai (cũ), chiếc xe tải chở 1.500 thùng bia bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của. Có cả người mang xe ba gác ra chở bia mặc cho tài xế van xin!
Đáng ra, trong cơn hoạn nạn, phải giang tay giúp đỡ, “thương người như thể thương thân”, đằng này lại nọc nòi bản tính lưu manh. Về bản chất, hai vụ việc là một, cưỡng đoạt trắng trợn chứ không chỉ “hôi” bia, “hôi” vải, cho thấy sự vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm một cách báo động, đáng lên án.
Chuyện thật như đùa, nghe cứ tưởng như ở một châu lục xa xôi nào đó chứ không phải chuyện hôm qua ở ngay Thủ đô!
Đáng buồn, trong cuộc sống thường nhật, những sự việc na ná như thế không phải là hiếm: Buôn gian, bán lận, thiếu ý thức, “khôn lỏi”…
Đáng lo, đó không chỉ là hiện tượng mà trở thành bản chất, bám rễ thâm canh cố đế của một bộ phận không nhỏ.
Đáng báo động, những thói hư, tật xấu đó chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng lắm chỉ xử phạt hành chính hoặc nhỏ nhẹ nhắc nhau khiến nó vẫn “sống khỏe”, nhởn nhơ như “cuộc sống quanh ta”. Sống mòn dân tộc, băng hoại những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp, tổn hại hình ảnh quốc gia.
Vẫn biết, thay đổi thói quen, lối sống, ứng xử hay nói rộng hơn, thay đổi, điều chỉnh hành vi văn hóa để phù hợp với các giá trị, chuẩn mực là một quá trình, không thể ngày một ngày hai. Nhưng có những thứ không thể chờ đợi, phải thay đổi, thay đổi ngay lập tức.
Đất nước như một cỗ máy khổng lồ đang chuyển động mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới. Mỗi tế bào xã hội chẳng thể như thể cá thể tự thân, phải là đinh ốc trong guồng máy, tự soi, tự sửa để hoàn thiện bản thân, phát triển phẩm chất, năng lực, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.