• :
  • :

Góc nhìn nghị trường: Chống gắn liền với xây để hạn chế tha hóa quyền lực

Sáng 8-6, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhắc lại một trong 8 bài học quan trọng trong tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng là phải kiểm soát được quyền lực.

Sở dĩ như vậy vì quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát và tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đó là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Do vậy, phải thiết lập cho được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn. 

Để kiểm soát quyền lực, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đưa ra 4 giải pháp: Phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực nhà nước; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử; tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn, thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm, giải trình; kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát.

Thiếu kiểm soát quyền lực thì quyền lực dễ bị tha hóa. Điều đó là rất đúng. Tuy nhiên, tha hóa quyền lực trong bối cảnh hiện nay không chỉ là sự lạm quyền, lộng quyền mà còn là sự thờ ơ, lãnh đạm với việc của dân, việc của doanh nghiệp, việc của nước, việc của Đảng-điều mà chúng ta đã nhắc tới rất nhiều, trên cả diễn đàn Quốc hội và diễn đàn báo chí, diễn đàn xã hội với nhiều cách gọi khác nhau, như né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm...

Thực tế gần đây cho thấy, hậu quả của những biểu hiện tha hóa quyền lực như “né, đùn, sợ” không kém phần kinh khủng, nghiêm trọng so với sự lộng quyền, lạm quyền để tham nhũng, tiêu cực. Tại sao tình trạng “né, đùn, sợ” thời gian qua lại bùng phát mạnh như vậy? Dường như nguyên nhân là chúng ta đang quá nghiêng về “chống” mà sao nhãng nhiệm vụ “xây”. Chỗ nào cũng chỉ nghe thấy những khẩu hiệu chống tham nhũng, tiêu cực, mà rất ít thấy nhắc đến việc tôn vinh, khen thưởng những nơi làm tốt, những cán bộ sáng tạo. Đầu tư công ì ạch như thế, nhưng có những nơi làm rất tốt. Vậy, chúng ta đã tôn vinh, khen thưởng những nơi làm tốt như thế nào để lan tỏa, hay chỉ thấy những lời phê bình, kiểm điểm, xử lý?

"Xây" và "chống" phải gắn liền với nhau. Quá mải miết "xây" mà không "chống" hay quá mải miết "chống" mà quên "xây" thì tai hại cũng đều như nhau. Do vậy, bên cạnh việc chống quyết liệt các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chúng ta cũng cần có những hình thức phù hợp để tôn vinh, khen thưởng những mô hình hay, cách làm tốt. Tôn vinh, khen thưởng phải thực chất và phần thưởng vật chất phải tương xứng với phần thưởng về tinh thần. 

Cùng với đó, cần phân định rõ các thành phần cấu thành tiền lương hằng tháng mà cán bộ, công chức, viên chức được nhận. Ngoài tiền lương theo thời giờ làm việc, thâm niên cống hiến, còn cần có lương theo hiệu quả công việc. Phần tăng lương nên tập trung nhiều vào lương hiệu quả công việc và phải tăng rất nhanh phần này để tránh trả lương theo kiểu cào bằng như hiện nay.

Người vi phạm bị xử lý nghiêm. Người không vi phạm, làm việc có hiệu quả cao được quan tâm thỏa đáng về quyền lợi vật chất và quyền lợi thăng tiến. Hài hòa được việc này thì tự khắc sẽ hạn chế được sự tha hóa về quyền lực!

CHIẾN THẮNG

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...