• :
  • :

Góc nhìn giáo dục: Giáo dục con trẻ phòng ngừa “rác ý thức”

Tôi có người bạn sinh ra trong một gia đình tuy nghèo nhưng nền nếp nên từ nhỏ anh được rèn luyện thói quen ngăn nắp. Cộng thêm với hơn 20 năm học tập, công tác trong môi trường Quân đội, vì thế anh đã rèn giũa, tạo dựng cho mình đức tính tỉ mỉ, cẩn thận. Từ phòng làm việc đến phòng nghỉ của anh luôn thông thoáng, sạch sẽ, mọi đồ vật được sắp đặt gọn gàng.

Gần đây, trong dịp nghỉ lễ dài ngày, mấy gia đình chúng tôi cùng nhau đến tham quan, nghỉ mát ở một khu du lịch. Trong khi vợ chồng con cái anh đồ đoàn gọn gàng, đến điểm hẹn đúng giờ thì mấy gia đình chúng tôi không chỉ đến chậm mà còn lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo. Nhìn mấy cháu nhỏ nhà bạn nhễ nhại mồ hôi, tay xách nách mang ba lô, túi xách, anh nhanh nhẹn giúp các cháu đưa đồ đạc vào trong chiếc xe 16 chỗ ngồi. Suốt chuyến hành trình mấy ngày nghỉ, tôi để ý thấy hai cháu con anh (một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 9) dù đi tham quan, ngắm cảnh hay lúc giao lưu, ăn uống đều thể hiện ý thức gọn gàng, sạch sẽ. Hai cháu ăn uống từ tốn, không để đồ ăn thức uống rơi vãi ra bàn, xuống nền nhà, nền sân; sử dụng khăn lau tay, giấy mềm rất tiết kiệm và sau khi dùng thì không vứt bỏ lung tung, bừa bãi như mấy đứa trẻ cùng đi. Trả phòng nghỉ cho khách sạn trước khi ra về, hai cháu tự giác gấp chăn gọn gàng, kê lại bàn ghế, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp như lúc mới vào nhận phòng. Hai cháu làm những việc này với ý thức tự giác, thái độ chăm chỉ. 

Là chỗ thân tình, tôi nói với người bạn rằng cả năm có một đôi lần đi tham quan, nghỉ dưỡng, cứ để cho bọn trẻ tự do ăn chơi, ngủ nghỉ thoải mái; vả lại mình đi nghỉ dưỡng ở nhà hàng, khách sạn thì đã chi trả tiền dịch vụ và có nhân viên phục vụ rồi... Như hiểu ý tôi, bạn chia sẻ rằng, thực ra bất cứ du khách nào cũng có quyền thụ hưởng những dịch vụ, tiện ích do nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ đầy đủ, chu đáo. Tuy vậy, bạn muốn giáo dục con trẻ thể hiện ý thức văn minh, chung tay giữ gìn vệ sinh ở những nơi mình đến nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Thời gian đầu con bạn có vẻ không thoải mái, nhưng thấy bố bền bỉ làm gương về thói quen ngăn nắp, giữ vệ sinh sạch sẽ mọi lúc, mọi nơi nên dần dần tác động, thẩm thấu và làm thay đổi suy nghĩ, việc làm của hai con theo chiều hướng tích cực.

Theo quan niệm của bạn tôi, rèn luyện cho con trẻ ý thức ngăn nắp, vệ sinh khi đi du lịch cũng là một cách để các cháu chia sẻ với sự lao động vất vả, nhọc nhằn của những lao công, nhân viên buồng, nhân viên phục vụ và cũng muốn nhắc nhở, giáo dục trẻ em không lạm dụng sức lao động của những người yếu thế hơn mình.

Thời gian gần đây, trong lĩnh vực du lịch xuất hiện những cụm từ như “rác ý thức”, “rác du lịch” nhằm ám chỉ, phê phán những du khách (cả người lớn và trẻ em) thiếu ý thức, trách nhiệm trong giữ gìn, bảo vệ môi trường du lịch ở các điểm đến. Vì thế, nhiều nơi trên thế giới đang cổ vũ phong cách du lịch “Đến-đi không dấu vết” nhằm động viên, khích lệ khách du lịch sau khi rời khỏi điểm đến không để lại hệ quả gì cho thiên nhiên, con người. Khi xong việc, rời khỏi vị trí thì du khách có ý thức dọn sạch để người sau không vướng phải rác của mình. Đó là một xu hướng du lịch văn minh, thân thiện.

DƯƠNG LAN