Gìn giữ nét đẹp hồn quê
Từ lâu, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình là những biểu tượng văn hóa gắn với làng quê, hồn quê Việt. Ở các làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ nói chung và Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ có niên đại lên tới hàng trăm năm mà người dân vẫn còn đang sử dụng, phục vụ cho đời sống. Tuy nhiên, cơn lốc đô thị hóa cũng đang là thách thức lớn khiến giếng cổ có nguy cơ biến mất.
Ký ức một thời
Giếng làng từ lâu trong tâm tưởng người dân luôn là mạch nguồn sâu thẳm, là nơi lưu bóng hồn quê và ôm trọn những ký ức của một thời chưa xa. Với bà Nguyễn Thị Ngả ở huyện Ứng Hòa cũng vậy. Tuổi thơ của bà gắn liền với chiếc giếng chùa cạnh nhà.
Bà kể, hồi nhỏ, bản thân thường cùng bạn rủ nhau ra bờ giếng lấy đất thó nặn thành pháo, chơi trò pháo đất. Mỗi khi đập xuống đất là pháo nổ giòn vang hòa trong tiếng cười lanh lảnh, giòn giã vô tư của tuổi thơ.
Làng có 2 giếng thì giếng chùa nằm ở đầu làng, là nguồn nước chủ yếu để người dân sinh hoạt, nên nhà nào cũng ra giếng gánh nước về trữ trong nhà. Tại đây, trong những buổi gánh nước chung, giếng vô tình cũng trở thành chứng nhân cho tình cảm của không biết bao đôi lứa.
Một giếng cổ ở xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) được người dân gìn giữ. Ảnh: Giang Nam |
Qua những biến thiên của thời gian, ở làng nhiều gia đình xây bể lớn để chứa nước mưa ăn cả năm, rồi cấp tiến hơn khi lại có nước máy dẫn đến tận nhà… tất thảy đều là căn nguyên khiến người làng ít dùng nước giếng. Giếng bị bỏ quên, dòng nước trong xanh trở nên đục ngầu.
May thay, người làng vẫn nhớ chiếc giếng mát lành thuở nào, cùng góp kinh phí tu sửa, khơi trong lại giếng. Dù nước giếng hiện người dân không dùng đến song vẫn là điểm nhấn tô đẹp cảnh quan chùa làng.
Thực tế, không riêng gì giếng chùa ở câu chuyện trên, hiện nhiều ngôi làng tại các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng… chuyện bảo tồn giếng làng không đơn giản. Làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ) là ví dụ.
Theo ghi nhận, nơi đây hiện cũng giữ được nhiều giếng cổ. Nhiều lão niên bộc bạch, xưa nếu tính gộp cả xã thì có tới 99 giếng, đa số giếng là “thiên tạo”, mạch nước ngầm chắt ra từ vỉa tầng đá ong nên trong, mát và sạch. Bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1948, người làng Yên Trường chia sẻ, do giếng hình thành tự nhiên nên miệng giếng ở Yên Trường dù vẫn hình tròn nhưng lòng giếng thì khúc khuỷu, hình dáng như bàn chân con người.
Điểm tiếc nuối duy nhất là qua thời gian, nhiều giếng ở làng đã bị vùi lấp, giờ còn 6 - 7 giếng, nằm rải rác ở các xóm. Bên mỗi giếng nước đều có cổ thụ soi bóng mát và am nhỏ để thờ. Để tránh lá cây rụng xuống làm ô nhiễm nguồn nước, người dân xây tường bao quanh miệng giếng và căng bạt để làm mái che. Nước giếng được lọc qua đá ong trong vắt, không bao giờ cạn. Vậy nhưng cũng có điểm lạ là hễ giếng nào không có người sử dụng là mạch nước tự dưng trở nên không còn ngon ngọt.
Theo lời bà Hòa, giếng làng cũng gắn với nhiều câu chuyện kỳ thú, góp phần hình thành nên lệ tục có một không hai của Yên Trường. Chẳng là, làng Yên Trường và cả xã Trường Yên đều có lệ ăn Tết hai lần mỗi năm. Nghĩa là, sau khi ăn Tết Nguyên đán (Tết cả) thì trong làng, ngoài xã lại hối hả cho cái Tết tháng Giêng với tên gọi là “Tết lại” hay “Tết cùng”.
Nguồn gốc của việc tổ chức ăn Tết hai lần là do ngày xưa giặc tràn về làng, cha ông, tổ tiên phải đi lánh nạn và không kịp ăn Tết. Thịt, giò, bánh chưng đã chuẩn bị nhưng chưa kịp ăn, người dân liền cho vào túi, thả hết xuống giếng. Giặc rút, cuối tháng Giêng, người dân trở về làng, kéo đồ lên. Nhờ giếng nước mát lành, thực phẩm không bị hỏng, người dân lại cùng sẻ chia những thức quà đầy quý giá ấy.
Bà Hòa bảo, cho đến nay dù Tết truyền thống của dân tộc hay cái Tết của riêng xã nhà thì mỗi người con đều trân quý. Cận Tết về làng Yên Trường, bên những chiếc giếng cổ vẫn thấy cảnh người dân múc nước rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng. Nhờ có giếng làng mà người dân sống chan hòa, gần gũi, đoàn kết với nhau hơn.
Bảo vệ một nét văn hóa
Không chỉ riêng làng Yên Trường giữ giếng, thực tế ở nhiều nơi, có nhiều giếng làng bị lấp đi để lấy mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên, cũng có không ít nơi, giếng làng vẫn đang tham gia vào đời sống thường nhật của người dân, vẫn là nguồn nước sạch của nhiều nhà. Hơn nữa, ở nhiều vùng quê, trước đình làng, bên chùa làng vẫn giữ nguyên những giếng xây gạch Bát Tràng, được coi là nguồn tụ thủy tụ phúc của cả làng.
Giếng làng là một phần không thể thiếu trong cấu trúc nông thôn xưa. Giếng nước tượng trưng cho sức sống của làng. “Cây đa, giếng nước, mái đình” là những biểu tượng của làng, là hồn làng. Quan trọng như vậy nhưng phận giếng làng đang long đong trong dòng chảy thời gian. Điều đáng nói là nhiều giếng làng hiện vẫn chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa được sự quan tâm, bảo vệ thỏa đáng. Nên chăng, các ngành chức năng cần nghiên cứu thêm các biện pháp bảo vệ giếng như là bảo vệ một nét đẹp, bảo vệ một di tích. |
Ở những nơi này, dù không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân nhưng nhiều làng quê vẫn giữ gìn nước giếng sạch sẽ.
Còn nhớ, đận 2019 người viết có ghé ngôi làng cổ Ngọc Trục (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa), trùng hợp khi ấy người dân cũng đang rất phấn khởi khi mới tôn tạo xong chiếc giếng làng để mạch nước luôn sáng trong.
Đáng chú ý, tất thảy người dân Ngọc Trục đều có chung suy nghĩ rằng việc tôn tạo giếng làng góp phần gìn giữ công trình kiến trúc mang nét đẹp văn hóa của làng, làm cho cảnh quan văn hóa làng quê thêm phong vị hữu tình. Không chỉ vậy, để nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên, cùng chung sức dựng xây xóm làng no ấm, các cao niên còn cho khắc bên thành giếng đại tự: “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn - PV).
Ngoài Ngọc Trục, hiện còn không ít vùng cũng coi giếng như linh hồn của làng. Chẳng hạn, ở Đại Phùng (Đan Phượng) người dân vẫn duy trì việc dọn dẹp khơi trong nguồn nước. Nước giếng là mạch nguồn thiêng vô tận được đất trời và các vị thần linh phù hộ nên cũng là phúc đức của làng, là sinh khí tốt lành.
Hay như ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) hiện còn một giếng nước huyền thoại. Đó là Giếng xin sữa, dù chỉ tròn nhỉnh hơn vành nón, mà ngàn năm nay nước vẫn đầy và trong vắt. Từ đời này truyền qua đời khác câu chuyện rằng, những bà mẹ Đường Lâm sinh con mà thiếu sữa nuôi con thì đến bên giếng này làm lễ xin sữa, rồi xin giếng nước.
Khi nước giếng được uống vào là người mẹ sẽ có đủ sữa cho con bú. Dung dị hơn, một số giếng hiện còn được cộng đồng tạo cảnh quan làm nơi hóng mát hoặc cho trẻ em bơi lội. Ví dụ như giếng làng Cựu xã Vân Từ, giếng chùa làng Phượng Vũ xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên); giếng làng Cống Xuyên xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín)…
Cách thức giữ gìn, bảo vệ giếng ở mỗi nơi, mỗi làng quê ít nhiều khác nhau song có một điều là ở đâu quá trình đô thị hóa chậm hoặc người dân có ý thức bảo vệ, giữ gìn nếp xưa thì các di tích được bảo tồn, phát huy giá trị, nhờ đó mà nhiều giếng làng vẫn tồn tại cùng thời gian./.