• :
  • :

Đường tới Berlin: Euro 2024 và niềm hy vọng của nước Đức

18 năm sau khi đăng cai một kỳ World Cup thành công và nâng cao hình ảnh trước thế giới, nước Đức lại có cơ hội làm điều đó một lần nữa trong hoàn cảnh đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nội tại.

Một Euro thành công về nhiều mặt, từ tổ chức cho đến chuyên môn, được kỳ vọng sẽ lại đem đến những cú hích lớn cho nước Đức.

Nhưng sự lặp lại của điều mà họ vẫn hay nhắc đến là “Câu chuyện cổ tích mùa hè”, ám chỉ thành công vang dội về mặt hình ảnh của nước Đức nhờ đăng cai World Cup 2006, sẽ đem đến những điều gì thực sự cụ thể? Một sự xoa dịu những mâu thuẫn ngấm ngầm đang nổi lên trong xã hội Đức sau một làn sóng nhập cư đưa hàng triệu người đến Đức từ năm 2015 đến 2019 dưới thời Thủ tướng Angela Merkel?

Thành công trong việc tổ chức giải từ chính quyền của Thủ tướng kế nhiệm bà Merkel là Olaf Scholz sẽ lấy lại uy tín cho liên minh cầm quyền và đẩy lùi Đảng cực hữu AfD, đảng đã chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Hội đồng châu Âu ở Đức hôm 9-6 vừa rồi? Hay là một thắng lợi về kinh tế, điều gây nghi ngờ, nếu biết tăng trưởng GDP của Đức đã giảm trong năm đầu tiên sau World Cup 2006?

Chuyến tàu cao tốc từ Paris (Pháp) sang Munich (Đức)

Đó là những điều không dễ trả lời. Nhưng một hiệu ứng tích cực, theo bất cứ khía cạnh gì, đều rất được mong chờ. Gần 20 năm đã qua kể từ World Cup 2006, nhưng giải đấu ấy giống như một cơn mưa rào tươi mát lúc mà nước Đức đang rất cần. Giải đấu chiếm giữ vị trí quan trọng trong lòng nhiều người hâm mộ, mở ra sự thay đổi lớn lao trong bóng đá Đức với đỉnh điểm sau đó là chức vô địch World Cup 2014 ở Brazil.

World Cup 2006 được cho là tạo ra giai đoạn tốt đẹp, khi người Đức khoan dung hơn với việc dần chấp nhận đất nước họ trở nên đa chủng tộc hơn, họ sung sướng nhìn ngắm những sân vận động mới hơn và thực sự tráng lệ, những công trình khác cũng trở nên đẹp đẽ hơn. Nước Đức 2024 đã rất khác, khi nhiều vấn đề hơn với những cuộc tấn công nhuốm màu tôn giáo đã diễn ra, nền chính trị trở nên bất ổn và nước Đức chật vật tìm cách tái xác lập vị thế của họ ở châu Âu.

Một chiến thắng của đội tuyển Đức có thể giải quyết được nhiều vấn đề, trở thành một biểu tượng của nước Đức đa sắc tộc và gắn kết nhiều cộng đồng tôn giáo và sắc tộc hơn. Nhưng một thất bại có ảnh hưởng gì nhiều đến công cuộc chung của nước Đức không? Về mặt chính trị và xã hội, có thể có, nhưng thể thao có lẽ là không. Andreas Erbel, Chủ tịch Hiệp hội cổ động viên của đội tuyển Đức ở bang Bavaria mới đây đã nói trên một tạp chí của Pháp rằng, “việc Đức bị loại sớm không phải là thảm họa và có thể chấp nhận được, vì huấn luyện viên Julian Nagelsmann mới nắm quyền ở đội tuyển. Sở dĩ Julian Nagelsmann được ký hợp đồng đến tận năm 2026 vì người ta tin tưởng vào dự án tái thiết đội tuyển của vị huấn luyện viên trẻ 36 tuổi này”.

Dù sao, đó cũng chỉ là ý kiến của một người và chưa chắc số đông ủng hộ đội tuyển Đức đã chia sẻ quan điểm đầy cảm thông ấy. Áp lực lên vai đội tuyển Đức sẽ rất lớn từ trận khai mạc giải với Scotland vào tối thứ sáu tuần này, ngày 14-6 (rạng sáng 15-6 theo giờ Việt Nam). Trong khi áp lực lớn với nước chủ nhà là bảo đảm an toàn tối đa cho các cổ động viên và các cầu thủ dự giải, trước những nguy cơ an ninh và khủng bố luôn luôn hiện hữu.

Bài và ảnh: LÊ MINH (từ Berlin, Đức)

Tags: EURO 2024