• :
  • :

Đi qua những mùa trăng

Mỗi dịp Trung thu đến gần, phố phường lại thêm rộn vui, náo nức, rực rỡ sắc màu với đèn ông sao, đèn kéo quân, đầu sư tử…. Trung thu giờ đây không chỉ còn là Tết của con trẻ, mà là Tết của cả người già, thanh niên, Tết đoàn viên của mỗi gia đình.

Mỗi mùa trăng đi qua, dù của ngày xưa cũ, hay của hiện tại, thì người ta vẫn luôn mong đó là dịp đoàn viên vui vẻ của mỗi gia đình.

Nhớ những mùa trăng xưa, cứ mỗi dịp Trung thu sắp đến là chúng tôi lại háo hức chờ đợi. Trăng rằm tròn đầy, những đêm trăng ấy là những trò vui con trẻ trong trẻo, nhắc nhớ biết bao kỷ niệm chợt theo về.

Những ngày xưa gian khó không có bánh Trung thu nhiều loại như bây giờ, chỉ cần có những chiếc bánh nhân đậu xanh cũng là “tươm” lắm rồi. Mâm cỗ trông trăng có hoa quả gì sẽ bày ra hết ở sân. Hoa quả cũng chỉ là vài quả cam, quả bưởi, quả hồng. Người lớn, trẻ con ngồi quây quần, cùng nhấm nháp dưới ánh trăng rằm.

Đèn Trung thu truyền thống thường dùng tre và các nguyên liệu dễ tìm ở nông thôn. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Những chiếc bánh ăn vào ngọt “sắt”, những múi bưởi còn non ăn “the” cả đầu lưỡi, những chiếc đèn lồng, đèn ông sao để chơi trung thu được tự làm từ những lon sữa bò cũ, những tờ giấy bóng kính đủ màu, những thanh cật nứa… Ấy vậy mà, những kỷ niệm mùa trăng xưa lúc nào cũng tìm về đầy đặn trong tôi mỗi dịp Trung thu tới.

Bởi cuộc sống khó khăn nên những thú vui cũng trở nên hạn hẹp, đôi khi những thứ thật giản dị cũng trở thành niềm hạnh phúc lớn lao. Với trẻ con xưa, trung thu đơn giản lắm. Lũ trẻ cầm lồng đèn rước đi khắp xóm. Rước đèn xong thì tổ chức các trò chơi như rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, trốn tìm. Múa lân đi quanh khắp các con ngõ tạo nên không khí Trung thu náo nhiệt, tiếng hát líu lo, tiếng cười lanh lảnh.

Trung thu xưa, sự vui vẻ được trải quanh những con ngõ nhỏ. Ảnh: vov.vn 

Tết trung thu, sự vui vẻ được trải quanh những con ngõ nhỏ. Tuổi thơ tôi với những đứa trẻ con trong xóm gắn với bao mùa Trung thu náo nức. Một tuổi thơ thiếu thốn nhưng cũng đầy ắp tiếng cười. Trăng rằm tròn vành vạnh, những đêm trăng ấy là tuổi thơ hồn nhiên. Chúng tôi đã có những ký ức trong trẻo như ánh trăng rằm.

Giờ đây, Trung thu cũng khác xưa nhiều. Sự phát triển đã mở ra nhiều lựa chọn vui chơi mỗi dịp Trung thu đến. Trước Trung thu nhiều ngày, các trường học, các khu dân cư thường dựng các sân khấu để trẻ em biểu diễn văn nghệ và các trò chơi, cùng nhau phá cỗ Trung thu.

Trẻ em vui Tết Trung thu. Ảnh: baogiaothong.vn
Cứ đến Trung thu là không thể thiếu những chiếc mặt nạ và đầu sư tử. Ảnh: TTXVN
 Các em nhỏ vui Trung thu tại phố cổ Hà Nội. Ảnh: HẢI LINH

Trung thu về, các hoạt động trải nghiệm Trung thu xưa và nay lại được nhộn nhịp tổ chức. Ở đó, trẻ được trải nghiệm cách làm bánh trung thu, nặn những chú tò he đủ màu sắc, làm đồ gốm, tô tượng, làm đèn ông sao, … với nguyên phụ liệu cũng đa dạng, phong phú hơn xưa rất nhiều. Ngoài ra, trẻ còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian trong không gian Trung thu truyền thống. Không gian ấy, giúp cho người lớn đi cùng, những người đã từng đi qua những mùa trăng xưa cũ, sẽ có dịp tìm về ký ức những đêm trông trăng tuổi thơ.

  Trẻ em được trải nghiệm nặn tò he trong không gian Trung thu truyền thống. Ảnh: qdnd.vn

Bên mâm cỗ Trung thu ngày nay, người ta sắm sửa nhiều thứ hoa quả, bánh kẹo hiện đại, nhưng cái “hồn cốt” Trung thu xưa thì vẫn còn đó, vẫn không thể thiếu những quả bưởi, quả hồng, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mùa Trung thu. Người ta sẽ trang trí những chiếc đèn ông sao, mặt nạ, đầu sư tử, đèn lồng, đèn kéo quân… bên cạnh mâm cỗ. Hoa quả được các mẹ, các chị khéo léo cắt tỉa thành hình hoa, hình thú cưng xinh xắn. Những vật tưởng như vô tri, vô giác bỗng hoạt náo, đầy sức sống trên mâm cỗ đón trăng rằm.

Mâm cỗ Trung thu ngày nay, các mẹ, các chị khéo léo cắt tỉa hoa quả thành hình hoa, hình thú cưng xinh xắn. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Mùa Trung thu nay không chỉ còn dành riêng cho con trẻ, mà cả người lớn cũng mong đợi mỗi khi mùa Trung thu đến. Tết Trung thu là dịp già trẻ gái trai nghỉ ngơi thư giãn. Trung thu cũng là một dịp để các bạn trẻ gửi gắm câu hẹn hò. Tết Trung thu đang dần trở thành lý do để nối dài những cuộc trò chuyện đoàn viên cho người lớn, trẻ nhỏ, cho những ai đang xa xứ. Trung thu mang một ý nghĩa lớn lao, nơi ấy có tình yêu thương của những thành viên trong gia đình, của người thân, của bạn bè, nơi lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Trăng rằm tháng Tám tròn vành vạnh trên cao, thắp sáng cho những ước mơ của con trẻ và thắp lại một phần ký ức của người lớn về những mùa trăng đã xa.

Thời gian trôi đi, những mâm cỗ Trung thu có khác đi, những trò chơi trong dịp Trung thu cũng thêm phần phong phú, nhưng những giá trị cốt lõi của Tết Trung thu thì vẫn vẹn nguyên. Mâm cỗ Trung thu vẫn là nơi lan tỏa những yêu thương nồng ấm và là nơi gửi gắm những ước mơ tuổi thơ.

Những kỷ niệm về Tết Trung thu sẽ theo ông bà, cha mẹ, kể lại cho con cháu mình. Mỗi người đều có những mùa trăng kỷ niệm cất giữ trong tâm hồn, để mỗi lần nhớ đến, cả suối nguồn yêu thương chợt tìm về, chợt thương những mùa trăng ngày xưa giờ đã quá xa xôi...

Tản văn của TƯỜNG VY

Tags: Trung thu
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết