Bát nháo... "huấn luyện viên cuộc sống"
“Khai vấn cuộc đời”, “nhân sinh giáo luyện”, “huấn luyện cuộc sống”... là tên gọi của những khóa tư vấn, “chữa lành” tâm hồn, cải thiện bản thân cho những ai muốn có một cuộc sống tinh thần tươi tắn hơn, công việc suôn sẻ hơn. Những người làm công việc như vậy được gọi với cái tên nuột nà là “huấn luyện viên cuộc sống” (life coach).
Xuất hiện trên thế giới từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, huấn luyện viên cuộc sống là người chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần, đưa ra lời khuyên về cách thức vượt qua khủng hoảng tâm lý, cải thiện bản thân cho khách hàng.
Xã hội càng phát triển, đời sống càng hiện đại, con người càng dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần, tâm lý. Nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ cuối năm 2019, hàng triệu người dân phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần, thậm chí nhiều người rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý. Từ đó, nhu cầu tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần, chữa lành các vết thương tâm lý của con người tăng cao ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Không học hành bài bản mà vẫn có thể làm huấn luyện viên cuộc sống. Ảnh minh họa: iStock |
Mục đích của huấn luyện viên cuộc sống là thông qua trao đổi, tư vấn, cung cấp kiến thức để giúp khách hàng vượt qua nỗi lo âu, trầm cảm; cải thiện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp; khơi dậy, đánh thức tiềm năng sáng tạo của bản thân; tìm ra đam mê, niềm vui đích thực của mình trong cuộc sống, công việc; xây dựng, duy trì các mối quan hệ tích cực với mọi người xung quanh...
Nghề huấn luyện cuộc sống ra đời đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tư vấn tâm lý cho mọi đối tượng có thể ít nhiều gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý để cân bằng cuộc sống, công việc và gia đình cũng như các mối quan hệ trong xã hội. Hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp như vậy là điều đáng khuyến khích.
Có cầu ắt có cung. Đó là lý do để mấy năm gần đây xuất hiện nhan nhản những người làm huấn luyện viên cuộc sống. Nếu như bác sĩ tư vấn tâm lý hay chuyên viên tâm lý phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc hành nghề, đạo đức xã hội thì nghề huấn luyện cuộc sống đang có biểu hiện chạy theo phong trào, nhiều người mang danh “huấn luyện viên cuộc sống” bề ngoài “thơn thớt nói cười”, “phán như thánh”, “nói như thần” để “lòe” thiên hạ, nhưng chính họ lại không có kiến thức chuyên môn về khoa học sức khỏe, tâm lý. Đấy là chưa kể tình trạng nhiều khóa học huấn luyện cuộc sống được mở ra bát nháo trên các trang mạng xã hội, tự ý vẽ ra những sứ mệnh to tát, quảng bá rầm rộ, lôi kéo khách hàng đến tập huấn, tư vấn rồi thu phí với giá cao ngất ngưởng.
Không học hành bài bản mà vẫn có thể làm huấn luyện viên cuộc sống; thậm chí nhiều người bất chấp đạo đức, giá trị, tín nhiệm bản thân để kiếm tiền và tự tha hóa ngay trong quá trình làm huấn luyện viên cuộc sống. “Thiếu cơ chế giám sát khiến người từng phạm tội hình sự, bị tước giấy phép tâm lý vẫn có thể trở thành huấn luyện viên tư vấn cuộc sống”; “Mối đe dọa lớn nhất đối với nghề huấn luyện cuộc sống là những người chưa được đào tạo và cư xử phi đạo đức”; “Ép mua khóa học, thao túng cảm xúc khách hàng”... là những lời cảnh báo của các chuyên gia uy tín về mặt trái của nghề huấn luyện viên cuộc sống thời nay.
Ám chỉ những người làm huấn luyện viên cuộc sống mà không có trình độ, kinh nghiệm nhưng lại muốn kiếm tiền của thiên hạ, một chuyên gia văn hóa ví họ khác chi thân phận ông thầy bói ngày xưa và mong mọi người hãy tỉnh táo. Phê phán cái nghề “bói ra ma” này, ông cha ta từng đúc kết: “Thầy bói, thầy cúng, thầy đề/ Ba thầy ấy phán chớ nghe thầy nào”; “Ốm đau chạy thuốc chạy thang/ Đừng nghe thầy bói mua vàng cúng ma”; “Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”.
YÊN DƯƠNG