• :
  • :

Kiểm soát khí thải xe máy: Xây dựng lộ trình phù hợp để đạt hiệu quả cao

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất, năm 2023, thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy.

Theo đó, đến giai đoạn 2024-2025, Hà Nội sẽ thí điểm kiểm định khí thải xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên, với tần suất 1 lần/năm, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Theo các chuyên gia, cần xây dựng lộ trình phù hợp, từng giai đoạn để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao.

 Trên đường phố Hà Nội, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy đã rất cũ nát vẫn tham gia giao thông.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến tháng 7-2022, thành phố có hơn 7,6 triệu phương tiện; trong đó có hơn 1 triệu ô tô, gần 6,5 triệu xe máy các loại (một nửa là xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000) và khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của các địa phương khác lưu thông qua thành phố. Phân tích từ cơ quan chuyên môn, trong quá trình hoạt động, xe cũ thải ra môi trường lượng khí độc cao gấp 2-4 lần so với các loại xe mới và xe được bảo dưỡng định kỳ. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây hại trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Tham gia giao thông trên đường phố Hà Nội, chúng ta không khó để bắt gặp những chiếc xe máy chỉ còn trơ khung sắt, không biển số, khói xả mù mịt, nhiều xe còn được “chế” thành xe kéo, xe chở hàng cồng kềnh. Những chiếc xe này không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông mà còn gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc loại bỏ những chiếc xe máy cũ vẫn còn gặp bế tắc bởi chúng gắn liền với người lao động phổ thông, là phương tiện mưu sinh của họ và gia đình. Không chỉ xe máy cá nhân, nhiều xe ô tô vận chuyển hành khách công cộng của cả tư nhân và đơn vị nhà nước trong tình trạng cũ nát cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến ô nhiễm môi trường. 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, trú tại phố Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết: “Chủ trương kiểm soát khí thải xe máy là đúng. Trước đây, nhiều người lo ngại việc thực hiện chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến người lao động nghèo. Tuy nhiên, xe máy cũ gây ô nhiễm môi trường quá lớn, đã đến lúc chúng ta cần phải kiểm soát khí thải đối với xe máy, nghiên cứu niên hạn sử dụng để loại bỏ xe máy cũ nát như đang áp dụng với ô tô”.

Trao đổi với chúng tôi, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Đây là một chính sách tốt, cần triển khai sớm. Tuy nhiên, phải làm thế nào kiểm soát khí thải xe máy nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Người dân sẽ đồng tình kiểm định khí thải khi cách thực hiện đúng, thời gian nhanh chóng, thủ tục không phức tạp, thu phí phù hợp với khả năng chi trả. Chúng ta cần tính toán hỗ trợ chủ xe phải thu hồi phương tiện một cách hợp lý để người dân có thể đổi xe. Việc kiểm soát khí thải xe máy có thể thực hiện thông qua các đại lý ủy quyền, trạm bảo dưỡng, bảo trì dưới hình thức xã hội hóa. Sau khi kiểm tra, nếu không đạt tiêu chuẩn, chủ phương tiện phải bảo dưỡng, sửa chữa xe để đáp ứng đúng tiêu chuẩn lưu hành. Cơ quan chức năng có thể dùng logo hay tem kiểm định để phân biệt xe nào đã kiểm định đạt chuẩn”.

Theo dự kiến, từ năm 2026, kế hoạch này sẽ được thực thi toàn phần. Những xe đã sử dụng từ 3 đến 5 năm trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng. Hà Nội cũng sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen. Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát... thành phố có chính sách hỗ trợ chủ xe phải thu hồi từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch này trong thời gian tới, TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ: "Theo tôi, bên cạnh việc đưa ra lộ trình phù hợp nhằm kiểm soát khí thải và dần loại bỏ xe máy cũ nát, cần tăng cường công tác tuyên truyền tác hại của xe máy cũ nát cũng như quy định về kiểm soát khí thải xe máy, tạo sự đồng thuận trong việc bảo đảm môi trường an toàn cho cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - THU THỦY

Tags: Xe máy
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...