• :
  • :

Chấm dứt thói quen tùy tiện

Tiện tay ném vỏ lon, tiện tay vứt giấy ăn cùng đủ loại rác sau khi tổ chức một bữa ăn ngay bờ biển mà những người tham gia đã không dọn dẹp cẩn thận... Đó là những hành động vô tư, thói quen tùy tiện dễ nhận thấy của không ít du khách khi ăn, uống và vô tình xả rác dọc tuyến bờ biển của đường Trần Phú, TP Nha Trang (Khánh Hòa), khi địa phương này bước vào thời gian cao điểm của mùa du lịch, lễ hội.

Quan sát hằng ngày khi tham gia hoạt động thể dục thể thao ngoài bãi biển, chúng tôi gặp không ít người bán hàng rong, bán thức ăn nhanh, các bạn trẻ mang đồ ăn, thức uống ra tận bờ biển. Họ vô tư nướng, chiên, bày biện ra bờ cát để thưởng thức, kết thúc cuộc nhậu thì để lại khoảng không gian không mấy đẹp mắt, dễ gây ức chế cho những người xung quanh. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra và nhắc nhở, họ bỏ đi, vài ngày sau, cảnh tượng lại tái diễn.

Có thể thấy, đến nay, các hoạt động du lịch trong 5 tháng đầu năm 2022 đều có dấu hiệu khởi sắc. Như Quảng Ninh đã đón hơn 4,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu hơn 8.800 tỷ đồng, vượt 8% so với mục tiêu đề ra; hơn 700.000 lượt khách đến Khánh Hòa, doanh thu gần 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 4.000 tỷ đồng... Những con số đó đã khẳng định sự phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ của ngành du lịch. Cùng với đó, vấn đề bảo vệ môi trường cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, mà ngay từ một hành động rất nhỏ của mỗi du khách, mỗi người dân đã tạo nên một sắc thái, một diện mạo khác cho hoạt động này. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, các nghị định, hướng dẫn cũng quy định rất rõ về việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Một câu hỏi đặt ra, tại sao vẫn xảy ra những hiện tượng, thói quen tùy tiện như vậy?

Đoàn viên, thanh niên Vùng 4 Hải quân và Thành đoàn Cam Ranh thu gom rác thải, làm sạch biển. Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Ở các quốc gia phát triển, vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường được đặc biệt quan tâm. Người dân được giáo dục rất kỹ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp từ nhỏ. Bên cạnh đó là các chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đã kéo theo hành động tự giác để bảo vệ môi trường trong lành. Ở nước ta, ý thức bảo vệ môi trường được giáo dục trong các cấp học, cũng như công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân ở các địa phương. Tuy vậy, ý thức nêu gương còn là điều đáng bàn, bởi thói quen ích kỷ, lối sống chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người, chỉ cần nhà mình sạch sẽ, việc dọn dẹp vệ sinh đã có lao công làm. Chính cách suy nghĩ nguy hại ấy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến con trẻ và cứ như thế, ý thức thiếu tự giác lại hình thành theo sự “nêu gương ngược” của người lớn.

Để hạn chế và đi đến chấm dứt những thói quen tùy tiện, cần tiếp tục giáo dục, xây dựng ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, nhất là đối tượng trẻ em, học sinh từ lúc nhỏ. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, cần tăng nặng mức xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là việc xử phạt hành chính với những hành vi nhỏ, thói quen tùy tiện xả rác của người dân.

Chúng ta đã tham gia Ngày Môi trường thế giới 5-6, Ngày Đại dương thế giới 8-6, hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam từ ngày 1 đến 8-6, huy động hàng vạn đoàn viên, thanh niên chung tay thu gom rác thải, làm sạch môi trường. Nhưng vấn đề chỉ giải quyết tạm thời và dừng lại nếu ý thức con người không được cải thiện. Mong rằng sự chung tay bảo vệ môi trường sẽ diễn ra trong sự tự giác xuyên suốt của mỗi người dân, thay vì chỉ quan tâm, chú trọng trong tháng 6-Tháng hành động vì môi trường.

VŨ DUY HIỂN

Tags: qdnd
Lượt xem: 57
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết