Xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu
Việt Nam đã trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2020 đạt trung bình 8-10%/năm. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt mốc kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Để trợ lực cho hoạt động xuất khẩu, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả hoạt động hội chợ, giao thương với đối tác quốc tế.
Cùng với việc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do và sự hỗ trợ của hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế. Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do; trong đó có 15 hiệp định đã và đang thực hiện, 2 hiệp định đang trong quá trình hoàn tất đàm phán. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều phát huy được hiệu quả, đóng góp rõ nét trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đưa nước ta trở thành nền kinh tế năng động được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhằm chủ động thích ứng với sự thay đổi của kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì công tác xúc tiến thương mại có nhiều thay đổi, góp phần nâng cao giá trị của hàng hóa và thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, đồng thời triển khai hợp tác với các cơ quan quản lý, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của đối tác nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương của Việt Nam.
Khách hàng tham quan gian hàng Việt Nam tại Hội chợ dệt may Nam Á 2022 được tổ chức tại Ấn Độ. Ảnh: VĂN THƯƠNG |
Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ-triển lãm được triển khai thời gian qua hầu như mới chỉ tập trung vào các nhóm mặt hàng: Nông sản, thủy sản, thực phẩm... mà chưa có những hội chợ mang tầm quốc tế hay khu vực tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp. Thực tế này đòi hỏi hoạt động hỗ trợ thương mại, xúc tiến xuất khẩu cần phải chuyển hướng, tìm kiếm đối tác nhằm tổ chức các hội chợ quốc tế mang tầm vùng hoặc khu vực tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và các lĩnh vực liên quan như: Dệt may, cơ khí... “Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Messe Frankfurt-một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo và sự kiện sẽ là dấu mốc quan trọng, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và hội chợ thương mại quốc tế mang tầm khu vực tại Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Tập đoàn Messe Frankfurt (Đức) là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ chức các hội chợ, hội nghị, hội thảo và sự kiện thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Tập đoàn có 28 chi nhánh, kết nối với mạng lưới kinh doanh tại hơn 180 nước và vùng lãnh thổ. Theo ông Wolfgang Marzin, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Messe Frankfurt, mục đích ký kết biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác là thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động tổ chức hội chợ thương mại quốc tế; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, mặt hàng, nhu cầu xuất-nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia hoạt động hội chợ quốc tế hiệu quả. Trước mắt, thông qua việc ký kết bản ghi nhớ giữa hai bên, Tập đoàn Messe FrankFurt thỏa thuận phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức 4 hội chợ quốc tế chuyên ngành: Hội chợ thương mại quốc tế về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu; hội chợ thương mại quốc tế về hàng tiêu dùng, bao gồm đồ trang trí và nội thất gia đình, đồ dùng nhà bếp và ăn uống cũng như quà tặng; hội chợ thương mại quốc tế về công nghệ tự động hóa công nghiệp; hội chợ thương mại quốc tế dành cho ngành công nghiệp xe đạp, từ thành phẩm đến phụ tùng và linh kiện.
MINH ĐỨC