Thương hiệu nông sản Cần Giờ
Là địa bàn giáp biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu đặc sản, có lợi thế cạnh tranh tốt nếu được xây dựng thương hiệu và quảng bá ở cả kênh bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử.
Sản phẩm chủ lực của huyện như: Tôm nước lợ đạt sản lượng 7.000-8.000 tấn/năm, cá dứa đạt 800 tấn/năm, muối thô là 100.000 tấn/năm, xoài cát là 2.000 tấn/năm, yến thô là 14 tấn/năm... UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt, chứng nhận huyện có 12 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Theo đồng chí Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, địa phương đã có chiến lược từng bước xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, gắn liền với thương hiệu TP Hồ Chí Minh và hàng Việt Nam. Trước xu thế tiêu dùng mới, địa phương sẽ đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm đặc sản trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa, sàn thương mại điện tử cũng như hướng đến thị trường xuất khẩu. Mới đây, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản, đặc sản của huyện đã tích cực tham gia Chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sàn thương mại điện tử Tiki phát động.
Sơ chế sản phẩm yến sào tại huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh |
Yến sào là sản phẩm có tiềm năng lớn, phù hợp để thí điểm xây dựng thương hiệu nông sản trong giai đoạn hiện nay của huyện Cần Giờ. Với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ rộng hơn 75.000ha, có nhiều loài động vật, thực vật, Cần Giờ hội đủ điều kiện tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu nuôi tổ yến chất lượng cao, bền vững và quy mô lớn. Toàn huyện có có hơn 500 nhà yến, 44 cơ sở chuyên sản xuất yến.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm-tiêu dùng, Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki) cho biết: Tiki đang phối hợp tập trung phát triển thương hiệu yến sào Cần Giờ, gia tăng giá trị sản phẩm và giảm dần bán thô, tăng danh mục sản phẩm và nguồn nguyên liệu, đầu tư mẫu mã sản phẩm... Tiki cũng đang tham gia cùng các sở, ngành hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP có thể quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua môi trường thương mại điện tử.
Định hướng đến năm 2030, nông nghiệp được xác định là ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng thứ hai sau ngành thương mại dịch vụ tại huyện Cần Giờ. Nông nghiệp huyện Cần Giờ sẽ bảo đảm cung cấp sản phẩm thực phẩm cho thành phố, các tỉnh lân cận, cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến sản phẩm OCOP và phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn của huyện là vùng nguyên liệu quy mô chưa lớn, sản lượng giới hạn, ý thức xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, hộ sản xuất chưa được chú trọng, việc tận dụng lợi thế từ các chuỗi hệ thống bán lẻ của thành phố cũng chưa thật sự hiệu quả...
Để hỗ trợ kết nối, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, đặc sản huyện Cần Giờ, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp liên ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ, sàn thương mại điện tử... rà soát tiềm năng những sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu trên địa bàn huyện. Theo đồng chí Trương Tiến Triển, để phát huy tốt giá trị thương hiệu đặc sản Cần Giờ, địa phương cần có cách làm mới. Muốn sản phẩm đi xa hơn, huyện cần có chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thương mại cho những sản phẩm có thế mạnh, kết hợp phát triển thương hiệu, thị trường.
Bài và ảnh: BÍCH TRÂM - QUANG NGUYỄN