Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ đầu năm
Tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1-2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Đó là những con số được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Hội nghị được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức hôm qua (20-2).
Tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định, trong năm 2024, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, NHNN Việt Nam đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo đó, NHNN Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: NGUYỄN NHỊ |
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam đánh giá, năm 2024, lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro từ các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo. Với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chia sẻ, về triển khai công tác tín dụng, ngay từ đầu năm, Agribank đã ra kế hoạch cụ thể nên việc cho vay không có vướng mắc về chỉ tiêu, lãi suất, nguồn vốn. Về cho vay bất động sản, hiện tại, Agribank đang cho vay hơn 200.000 tỷ đồng. Đối với cho vay nông nghiệp, Agribank cũng đã tính toán đến các yếu tố rủi ro để bảo đảm.
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, nguyên nhân chính giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng lên do xung đột, trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực quản trị thấp, sức khỏe yếu, các báo cáo tài chính giữa văn bản và thực tế không đồng nhất dẫn tới gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc đánh giá và cấp tín dụng cho những doanh nghiệp này. Tình trạng khác là doanh nghiệp đã vay của nhiều TCTD khác nhau dẫn tới khi những doanh nghiệp này gặp vấn đề tài chính thì việc quản lý dòng tiền, hạn mức, quản lý khoản phải thu của các TCTD sẽ khó khăn.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc-Phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đề xuất các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; tiếp tục chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn cung, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng yêu cầu toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Công tác tín dụng tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. “Năm nay, các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Các TCTD phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để bảo đảm kiểm soát các rủi ro về tín dụng, thanh khoản”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu đề ra, NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”...
NGUYỄN ANH VIỆT