Thị trường chứng khoán đã quen “cầm cự trong gian khó” với thanh khoản thấp
Tính từ phiên giao dịch chứng khoán ngày 27.4 tới nay, VN-Index đã có 16 phiên thanh khoản dưới 20.000 tỉ đồng/phiên. Tính ra, bình quân mỗi phiên thanh khoản trên sàn HSX chỉ đạt hơn 15.354 tỉ đồng.
Với mức thanh khoản bình quân như vậy, diễn biến của chỉ số VN-Index trong khoảng thời gian trên dao động trong biên độ từ mức cao là 1.314,81 điểm đến mức thấp là 1.240,71 điểm, chỉ số mất đi tổng cộng hơn 74 điểm, tương ứng hơn 5,6%.
Trong giai đoạn thanh khoản sụt giảm mạnh, chỉ số lao dốc và đã chạm đáy vào phiên giao dịch ngày 16.5. Sau phiên này, VN-Index đã hồi phục trở lại với 3 phiên tăng liên tiếp mang đến cho chỉ số gần 70 điểm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thanh khoản thấp ít hỗ trợ được cho sự bứt phá của VN-Index, nhưng chỉ số vẫn cầm cự được trong phiên lao dốc mạnh tới vài chục điểm ngay từ khi mở cửa thị trường ngày 19.5. Tiếp đó, diễn biến trong phiên liên tục giằng co và rung lắc mạnh. Đến cuối phiên, VN-Index không những đã trụ được tại vùng tham chiếu, mà còn vượt lên với mức tăng nhẹ 0,88 điểm khi kết phiên.
Sang phiên cuối tuần ngày 20.5, chỉ số xanh vào đầu phiên. Đến phiên chiều, VN-Index bắt đầu biến động giằng co rung lắc. Đã có thời điểm, chỉ số giảm đến hơn 9 điểm.
Trước khi bước vào phiên ATC xác định mức giá đóng cửa, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ với mức giảm hơn 5 điểm. Tuy nhiên, chính phiên ATC này cũng đã giúp kéo chỉ số đi lên, để kết phiên chỉ còn giảm 0,93 điểm.
Thanh khoản sụt giảm là điều đáng quan tâm trên thị trường. Giới phân tích cho rằng với thanh khoản hiện nay chưa thể hỗ trợ cho đà hồi phục bền vững và mạnh mẽ, cho nên tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.
Tuy nhiên, từ quan sát diễn biến thực tế các phiên giao dịch vừa qua, sau khi chỉ số đã chạm đáy trong đợt điều chỉnh ngắn hạn, một số công ty chứng khoán cho rằng thị trường đã quen dần với tình trạng thanh khoản thấp.
Từ đó, dù thanh khoản thấp nhưng có phiên chỉ số vẫn tăng điểm mạnh hồi phục, và có những phiên VN-Index vẫn trụ vững quanh vùng tham chiếu như đã đề cập ở trên.
Vấn đề đáng lo hơn lúc này tác động trực tiếp gây tiêu cực đến đà hồi phục của chỉ số chính là lực xả hàng chốt lời, việc canh bán tại những ngưỡng kháng cự. Đơn cử vùng kháng cự quanh 1.250 điểm đã kích hoạt làn sóng chốt lời trong 2 phiên ngày 19-20.5 vừa qua, khiến cho VN-Index chốt tuần phải tạm lùi về quanh mốc 1.240 điểm.
Thị trường chứng khoán với VN-Index đã quen dần việc “cầm cự trong gian khó” với mức thanh khoản thấp. Điều này chỉ có thể cải thiện được khi đà hồi phục tiếp tục được duy trì cùng với một vài phiên chỉ số có thể bứt phá qua các ngưỡng kháng cự mạnh, giúp cho tâm lý nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn và mạnh dạn xuống tiền gom những cổ phiếu với mức giá đang hấp dẫn thay vì tiếp tục bán mạnh ra thị trường.
Một tín hiệu tích cực nữa là, trong 2 phiên về cuối tuần giao dịch vừa kết thúc, VN-Index đã thoát được sự tác động tiêu cực giảm điểm từ thị trường chứng khoán thế giới và khu vực, giúp giải tỏa tâm lý rất lớn cho nhà đầu tư.