• :
  • :

Tăng trưởng tín dụng, bảo đảm mục tiêu kép

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành ngân hàng nói riêng, kết thúc năm 2023, kinh tế - xã hội nước ta đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.

Bước sang năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam xác định tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Giữ ổn định thị trường tiền tệ

Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, năm 2023 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Trên thế giới, lạm phát đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp... tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước. Trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù có sự cải thiện nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng.

Hoạt động sản xuất gốm tại Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu. Ảnh: PHƯƠNG LINH 

Tất cả những yếu tố nêu trên tạo ra thách thức vô cùng lớn đối với việc điều hành của Chính phủ, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế nhiều năm dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng.

Kết thúc năm 2023, về cơ bản, ngành ngân hàng đã đạt được các mục tiêu đặt ra, đó là: Góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thị trường tiền tệ ngoại hối về cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm, đưa mặt bằng lãi suất trở về mức lãi suất trước dịch Covid-19; đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định trong khu vực và trên thế giới (năm 2023, đồng Việt Nam mất giá khoảng 2,9%); an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm, các nội dung chuyển đổi số đạt các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng... 

NHNN Việt Nam đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng là những yếu tố góp phần để tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, trong năm 2023, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và dự báo sức ép lạm phát không lớn, NHNN Việt Nam đã chủ động điều hành, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, NHNN Việt Nam đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của ngân hàng thương mại giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.

Giao hạn mức tín dụng 15% từ đầu năm

Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, bước sang năm 2024, NHNN Việt Nam đã có sự chủ động và đưa ra những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng. Cụ thể, đã giao ngay từ đầu năm về hạn mức tín dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng là 15% để phấn đấu làm sao đạt được chỉ tiêu đó. Nếu ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu đó mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục giao thêm hạn mức tín dụng. 

Cùng với đó, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định: “Việc NHNN Việt Nam giao hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm là một quyết định đúng đắn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cần tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp hấp thụ được vốn sẽ tác động tích cực lên nhiều mặt như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, qua đó góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong năm 2024, thách thức của các doanh nghiệp vẫn có, nhưng cơ hội còn nhiều hơn. Do đó, quyết định này cũng thể hiện tính tích cực, linh hoạt, giúp các ngân hàng thương mại có thể tính toán, chủ động được kế hoạch trong năm. Đồng thời giảm các thủ tục hành chính giữa NHNN Việt Nam và ngân hàng thương mại trong điều hành tín dụng”.

Tuy nhiên, bất cứ chính sách nào cũng có hai mặt của nó. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cao sẽ thúc đẩy lượng vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng cần đi đôi với bảo đảm chất lượng tín dụng, tránh tình trạng nợ xấu, duy trì an toàn hệ thống ngân hàng. 

Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam cần kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo để kinh tế vĩ mô không bị mất ổn định, tỷ giá được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Phải tạo ra sự lan tỏa của dòng vốn đến những nơi đang cần phục vụ cho hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế, chính sách để dồn tiền vào một chỗ. Nhờ vậy, sẽ thực hiện được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng tín dụng, vừa bảo đảm an toàn hệ thống.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách kịp thời. Chú trọng điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô tốt. 

Thủ tướng mong muốn các ngân hàng tiếp tục nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và NHNN Việt Nam, bảo đảm kinh doanh hiệu quả, an toàn, lành mạnh; chia sẻ hơn nữa với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, cùng phát triển trong hệ sinh thái chung, thúc đẩy hơn nữa niềm tin của người dân và doanh nghiệp; rà soát điều kiện, thủ tục (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn, đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống.

NGUYỄN ANH VIỆT

Lượt xem: 6
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...