Nhiều mục tiêu, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng
Làm rõ nguyên nhân tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhà xã hội còn chậm; quản lý tài sản công còn nhiều lãng phí; xem xét trách nhiệm khi các dự án giao thông đội tổng mức đầu tư; hiệu quả của chính sách tái cơ cấu nền kinh tế... là những nội dung được các đại biểu tập trung chất vấn, tranh luận với các thành viên Chính phủ, trong phiên chất vấn nhóm vấn đề kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành ngày 6-11 của Quốc hội. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các thành viên Chính phủ đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề được đại biểu nêu.
Vì sao gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chậm giải ngân?
Đặt câu hỏi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng, cử tri, đông đảo người dân rất kỳ vọng vào chính sách phát triển nhà ở xã hội. Thế nhưng đến nay, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chính sách này, NHNN Việt Nam có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện, yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay gói tín dụng này. Thời gian qua, đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay, đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh, thành phố được giải ngân.
Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Lý giải về tỷ lệ giải ngân thấp, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, nguồn cung nhà thuộc đối tượng của chương trình còn hạn chế; nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu của người dân đi vay để mua nhà lại là câu chuyện người dân phải cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài ra, nhiều ý kiến phản ánh điều kiện cho vay của gói tín dụng hiện vẫn còn các điểm chưa phù hợp với thực tế, như một số quy định “thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân”, “chưa có nhà ở”...
Mặt khác, chương trình được thực hiện trong thời gian dài 10 năm, các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài nên việc giải ngân sẽ theo thời gian, dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp. Từ những hạn chế nêu trên, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án nhà ở thuộc diện cho vay để hệ thống ngân hàng tích cực triển khai. Đồng thời, cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, việc ngân hàng giải ngân vốn cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người lao động, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ. Đại biểu cho hay, đây là chủ trương rất đúng đắn và nhân văn của Chính phủ, để triển khai thực hiện hiệu quả cần có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng mà còn của Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là người lao động. Ngoài ra, phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, chất lượng, mức giá... từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì mới thực hiện thành công được.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120.000 tỷ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác...
Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý hiệu quả tài sản công
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận được nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề quản lý tài sản công. Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) đặt vấn đề, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc. Có cùng mối quan tâm, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) và đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) hỏi về cách khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quản lý tài sản công.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm của các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành; tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của UBND các địa phương. Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Bộ trưởng nêu nguyên nhân, khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị, do ở nhiều địa bàn khác nhau nên các đơn vị không có nhu cầu; hơn nữa, việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá, trong khi thị trường trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng cũng khó khăn. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và hàng loạt thủ tục khác. Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, bảo đảm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với đó, với vai trò là cơ quan tập hợp và quản lý về tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt về quản lý hiệu quả hơn.
Phát biểu tranh luận về việc quản lý tài sản công với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) đặt vấn đề, Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách "nhưng tôi băn khoăn là làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh". Do đó, đại biểu đề nghị qua kiểm toán phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, hạn chế tình trạng lãng phí, tiêu cực.
Tiếp thu ý kiến đại biểu để kiểm tra, đôn đốc việc quản lý tài sản công, tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc bày tỏ, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công là trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp, thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. “Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí trong đầu tư công
Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, một số đại biểu cho rằng, hiện nay, đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Liệu có phải liên quan đến định mức xây dựng hay không?
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, định mức xây dựng với công trình giao thông và công trình kiến trúc đang được kiểm soát chặt chẽ và được thực tế kiểm nghiệm qua hàng chục năm và rất nhiều công trình. Lãng phí đầu tư công không nằm ở định mức xây dựng mà là ở quá trình triển khai như: Để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn; ăn bớt khối lượng...
Bày tỏ đồng tình với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư... Ví như, nhiều cao tốc xây dựng hai làn, nếu nâng cấp mở rộng thì rất tốn kém, điều này là do hạn chế từ việc xây dựng quy mô dự án.
Tham gia trả lời chất vấn ở nhóm vấn đề kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, những ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn, gợi mở cho Chính phủ nhiều giải pháp trong điều hành kinh tế thời gian tới. Phó thủ tướng giải đáp các vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế; phân bổ ngân sách cho văn hóa, giáo dục, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...
Phó thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, thực hiện giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới mô hình tăng trưởng các đô thị lớn, cực tăng trưởng, phát triển đồng bộ các loại thị trường, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển, phát triển kinh tế xanh bền vững, dịch vụ chất lượng cao...
Sẽ nâng tốc độ tối đa các tuyến cao tốc 80km/giờ lên 90km/giờ
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, các đại biểu quan tâm tới vấn đề trách nhiệm đơn vị làm tăng vốn đầu tư dự án giao thông; quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc. Đặt câu hỏi, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) nêu thực trạng nhiều dự án giao thông trọng điểm phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, cho thấy việc chuẩn bị không chính xác. Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là đã "chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học", có cả phương án dự phòng. Vậy trách nhiệm trong việc trình dự án không chính xác để kéo dài thời gian, điều chỉnh vốn đầu tư thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kỳ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300.000 tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản, các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì rất ít. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có 3 dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án đường cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, dự án đường cao tốc An Hữu-Cao Lãnh. Nguyên nhân là trong thời gian khảo sát thiết kế dự án đúng thời gian dịch Covid-19 (2020-2021) dẫn đến khảo sát chưa được triệt để, ngoài ra nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.
“Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định; kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Tham gia chất vấn lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nêu vấn đề, tại sao nhiều tuyến đường cao tốc hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/giờ. Như vậy là chưa tối ưu vận tải và thời gian lưu thông. Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là: 120km/giờ, 100km/giờ, 80km/giờ và 60km/giờ. Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long-Móng Cái, Hà Nội-Hải Phòng...
“Bộ đã rà soát tiêu chuẩn và thấy rằng tốc độ lưu thông tối đa trên các tuyến cao tốc có thể nâng từ 80km/giờ lên 90km/giờ. Dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thay đổi tốc độ giới hạn tối đa các tuyến cao tốc này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.
VŨ DUNG