Nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản được pháp luật quy định như thế nào?
* Bạn đọc Nguyễn Ngọc Phương ở phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 58 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Cụ thể như sau:
1. Bảo đảm bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản phải có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
2. Niêm yết, cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình niêm yết, cung cấp.
3. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.
4. Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
6. Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho khách hàng.
7. Quản lý nhân viên môi giới và người lao động làm việc tại sàn giao dịch bất động sản trong việc tuân thủ pháp luật.
8. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức hành nghề môi giới bất động sản cho nhân viên môi giới làm việc tại sàn giao dịch bất động sản hằng năm.
9. Thực hiện lưu trữ hồ sơ giao dịch theo quy định của pháp luật.
10. Nghĩa vụ khác theo hợp đồng.
* Bạn đọc Phạm Đông Hưng ở xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trong trường hợp nào thì việc chủ thể dữ liệu đề nghị xóa dữ liệu cá nhân sẽ không được chấp nhận?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023 của Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cụ thể, việc xóa dữ liệu sẽ không áp dụng khi có đề nghị của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp:
a) Pháp luật quy định không cho phép xóa dữ liệu;
b) Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Dữ liệu cá nhân đã được công khai theo quy định của pháp luật;
d) Dữ liệu cá nhân được xử lý nhằm phục vụ yêu cầu pháp lý, nghiên cứu khoa học, thống kê theo quy định của pháp luật;
đ) Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;
e) Ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác.