• :
  • :

Mở rộng thị trường bán lẻ, kích cầu tiêu dùng

Cứ vào ngày nghỉ cuối tuần, siêu thị Big C (quận Gò Vấp) lại đông nghịt người dân đến mua sắm. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình.

Chị Võ Thị Trang, ngụ tại phường 7, quận Gò Vấp nói: "Hàng hóa bán trong siêu thị cơ bản đã được kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết bảo đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, cân đủ số lượng, bán đúng giá và có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn".

Theo quy luật thị trường, vào những tháng cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không niêm yết giá và bán không đúng giá... lại diễn biến phức tạp. Năm nay, do kinh tế khó khăn, nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên sức mua trên thị trường chủ yếu tập trung vào phân khúc bán lẻ với các loại hàng hóa thiết yếu, như: Lương thực, thực phẩm, đồ dùng, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình...

 Người dân mua hàng tại siêu thị Big C, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Để giảm bớt gánh nặng cho đời sống nhân dân, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành công thương tổ chức các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu và những đồ dùng, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Ngành chức năng thành phố tăng cường kiểm tra bảo đảm chất lượng hàng hóa, giá cả niêm yết, bán đúng giá, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhất là tại các điểm bán lẻ, bán hàng online. Ghi nhận từ tháng 8-2023 đến nay, các lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 200 vụ vi phạm kinh tế, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, ngành công thương thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề thách thức, khó khăn do phát sinh chi phí lớn về vận chuyển, kho bãi, nhân công... nhằm bảo đảm nguồn cung và hàng hóa không bị đẩy giá lên cao do chi phí vận chuyển, kho bãi, mua qua bán lại lòng vòng của một số tư thương. Thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa; mở rộng thị trường mới, kiểm soát bình ổn giá, kết nối với các địa phương để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm giả tạo hoặc tăng giá cục bộ trong dịp lễ, tết. Các ban, ngành, địa phương cũng quan tâm triển khai những cơ chế, chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn đọng, vướng mắc trong sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng hóa cho các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập của người lao động. Thành phố đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, mua bán, trao đổi hàng hóa.

Bằng các biện pháp linh hoạt, hiệu quả, thị trường bán lẻ đang phát huy hiệu quả, vừa kích cầu tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của đại bộ phận người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng năm 2023 của thành phố đạt hơn 514.523 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022 góp phần thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2023.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết