• :
  • :

GDP từ góc nhìn của ADB

Tại họp báo diễn ra ngày 27/9, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đánh giá, 2023 là năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam. Cầu bên ngoài yếu, cùng với sự phục hồi chậm của Trung Quốc ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Dù vậy, nền kinh tế vẫn trụ vững nhờ tiêu dùng nội địa mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại ở mức 5,8% trong năm 2023 và 6,0% trong năm 2024, so với dự báo hồi tháng 4/2023 lần lượt là 6,5% và 6,8%, chủ yếu do nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Mặc dù, dự báo tăng trưởng của Việt Nam có sự điều chỉnh giảm so với hồi tháng 4/2023, nhưng mức tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đứng đầu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Sang đến năm 2024, với dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức 6%, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Philippines (6,2%). Dự báo lạm phát cũng giảm xuống, có thể ở mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.

Theo ADB, các yếu tố chính tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chủ yếu đến từ bên ngoài. Đó là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Tăng trưởng 2024 dự báo đạt 6% do nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn. Dự báo lạm phát cũng giảm xuống mức 3,8% năm 2023 và 4% năm 2024.

ADB nhận định, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Trong nước, các vấn đề có tính hệ thống trong giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế là nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm tăng trưởng. Bên ngoài, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm của Việt Nam. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với việc đồng USD mạnh lên có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, dẫn đến giảm tỷ giá tiền đồng.

Trả lời về vấn đề tỷ giá tăng gần đây, ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng của ADB đánh giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Dưới góc nhìn của ADB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá. Ông Nguyễn Bá Hùng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ.

Ông Nguyễn Bá Hùng phân tích, người dân muốn giữ tiền USD thay vì VNĐ vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn. Biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tín phiếu trở lại để giảm thanh khoản và cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.

Diên Vĩ
Lượt xem: 4
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...