• :
  • :

EU thống nhất giới hạn giá trần khí đốt

Sau nhiều tuần đàm phán, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng cũng đạt được nhất trí về mức áp trần giá khí đốt tự nhiên và thời gian áp dụng.

Reuters đưa tin, ngày 19-12, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Năng lượng các nước EU đã đi đến thống nhất mức trần giá khí đốt tại “lục địa già” là 180 euro/MWh từ giữa tháng 2-2023. Mức giới hạn này dự định sẽ kéo dài trong một năm và được kích hoạt khi giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan-được xem là tiêu chuẩn châu Âu-vượt quá con số trên trong 3 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, mức trần giá khí đốt không ảnh hưởng tới hợp đồng tư nhân bên ngoài sàn giao dịch năng lượng. Thỏa thuận sẽ được các quốc gia thành viên phê duyệt bằng văn bản trước khi chính thức có hiệu lực.

“Chúng tôi đã tìm kiếm thành công một thỏa thuận quan trọng nhằm bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng tăng vọt”, Reuters dẫn thông báo của ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp của Cộng hòa Czech-nước đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU.

Trạm tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng nổi đầu tiên của Đức tại cảng Wihelmshaven ở nước này. Ảnh: Reuters 

Như vậy, việc các nước EU đạt được thỏa thuận này được xem là kết quả của nỗ lực từ phía Ủy ban châu Âu (EC) trong việc đưa ra những biện pháp mà tất cả 27 quốc gia thành viên có thể nhất trí để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Các lựa chọn dễ dàng như tự nguyện cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt hay áp thuế đã được sử dụng, trong khi vấn đề áp giá trần trở thành phương án khó khăn nhất do gây chia rẽ trong toàn khối.

Phản ứng lại với động thái trên, Nga cùng ngày đã lên tiếng phản đối mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên mà EU vừa đạt được. “Đây là sự vi phạm quy luật thị trường quyết định giá cả... Bất kỳ sự đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được”, TASS trích tuyên bố của phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, đồng thời nêu rõ Moscow sẽ đánh giá một cách thận trọng tất cả ưu và nhược điểm trước khi có những biện pháp đáp trả.

Thời gian qua, nhằm hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng với nền kinh tế, nhiều quốc gia thành viên EU kêu gọi khẩn cấp áp trần giá khí đốt trên toàn khối. Đề xuất mức trần ban đầu là 275 euro/MWh nhưng lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước đang siết chặt giá năng lượng như Tây Ban Nha và Hy Lạp. Mặt khác, EC cũng cảnh giác với hậu quả của việc giới hạn giá và khẳng định có thể dừng cơ chế này nếu nó gây ra hậu quả tiêu cực. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels trong ngày 19-12, Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson nhấn mạnh, EC sẵn sàng đình chỉ kích hoạt giới hạn giá trần một khi phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác quản lý năng lượng châu Âu (ACER) cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích.

Có thể nói, châu Âu đã và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng vì giá khí đốt tăng phi mã và nguồn cung hạn chế kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ cuối tháng 2 năm nay. Riêng tại châu lục này, giá năng lượng cao làm tăng tỷ lệ lạm phát và gánh nặng chi tiêu hộ gia đình, cũng như buộc một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Bloomberg tính toán EU có khả năng thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD bởi tình trạng năng lượng “đội giá” do Nga cắt giảm nguồn cung. Ngoài ra, Tân Hoa xã cho hay, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) từng cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023, khiến EU phải ráo riết tìm cách chuẩn bị tốt nhất cho mùa đông năm nay và cả những năm sau, trong đó ưu tiên lấp đầy các kho dự trữ.

Trong một diễn biến khác, Interfax cho biết, trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 19-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ hai bên đã thảo luận và thống nhất về các thông số giá cả trong lĩnh vực năng lượng. Về phần mình, Tổng thống Belarus tiết lộ giá khí đốt mà Moscow cung cấp cho Minsk vào năm tới đã được ấn định và có lợi cho nước này.

VĂN HIẾU

Tags: khí đốt
Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết