• :
  • :

EC hạ dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu

Ngày 14-7, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2022 và năm 2023, đồng thời điều chỉnh dự báo lạm phát, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo Reuters, EC dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone đạt 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức 2,7% được dự đoán hồi tháng 5. Tuy nhiên, trong năm tới, khi tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và giá năng lượng tiếp tục tăng cao, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống mức 1,4% thay vì 2,3% như đã ước tính từ trước.

Đối với toàn Liên minh châu Âu (EU), mức tăng trưởng kinh tế dự báo trong năm nay vẫn giữ nguyên ở mức 2,7%, song đã có sự điều chỉnh từ 2,3% xuống còn 1,5% trong năm 2023.

EC dự báo lạm phát của Eurozone sẽ đạt đỉnh ở mức 7,6% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4% trong năm 2023. Hồi tháng 5 vừa qua, EC đã dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ ở mức 6,1% trong năm nay và 2,7% vào năm sau.

 Đồng euro trượt giá tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu. Ảnh: Anadolu Agency

Đối với toàn EU, dự báo lạm phát cũng được điều chỉnh tăng từ 6,8% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023, lên lần lượt là 8,3% và 4,6%. EC cảnh báo lạm phát thậm chí có thể tăng cao hơn nữa nếu giá khí đốt tiếp tục leo thang do Nga giảm nguồn cung mặt hàng này.

Trong những tháng qua, lạm phát ở Eurozone liên tiếp ghi nhận các kỷ lục mới. Cụ thể, giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục trước đó là 8,1% ghi nhận trong tháng 5. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy giá năng lượng tăng và gây ra tình trạng thiếu hụt, khiến giá của nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, phân bón... trở nên đắt đỏ hơn. Lạm phát tăng cao trở thành gánh nặng đối với nhiều người dân châu Âu. Mặc dù chính phủ các nước liên tiếp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, song sức tàn phá của "cơn bão giá" vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt.

Trong khi đó, việc nguồn cung khí đốt từ Nga sụt giảm trở thành mối đe dọa về năng lượng trong mùa đông. Các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao. Ông Erik-Jan van Harn, một chiến lược gia tại Rabobank, đánh giá: “Chúng ta (Eurozone) đang đối mặt với một cuộc suy thoái do đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ và tác động của tình trạng giá đầu vào cao hơn của ngành công nghiệp... Kinh tế Đức (nền kinh tế số một châu Âu) đã giảm tốc và xu thế là đi xuống rõ ràng”.

Bên cạnh đó, khu vực này cũng đối mặt với thách thức không nhỏ từ sự trượt giá của đồng euro. Ngày 13-7 vừa qua, tỷ giá đồng euro so với đồng USD lần đầu tiên giảm xuống dưới 1 kể từ cuối năm 2002, chủ yếu do ảnh hưởng từ triển vọng ảm đạm bao trùm nền kinh tế Eurozone và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga.

Theo các chuyên gia phân tích, đồng euro trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu vốn đang quay cuồng với lạm phát cao kỷ lục. Một đồng tiền yếu hơn sẽ làm cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, đắt hơn. Khi những mặt hàng như nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian có chi phí cao hơn, chúng có thể làm tăng giá nội địa.

Ông Viraj Patel, một chiến lược gia ngoại hối tại Vanda Research, nhận định: “Đồng euro đang giao dịch như thể một cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang cận kề. Vì vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến xung quanh nguồn cung khí đốt và các yếu tố địa chính trị có khả năng đẩy đồng euro suy yếu xuống dưới mức tương đương”.

HÙNG HÀ

Tags: qdnd