Động lực mới cho nền kinh tế quốc gia
Hôm qua (15-10), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ghi dấu ấn là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam khai trương mạng di động thế hệ thứ 5 - mạng 5G, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế của đất nước.
Tham dự sự kiện có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Viettel đưa Việt Nam vào tốp 5 quốc gia sản xuất được thiết bị mạng 5G
Từ năm 2019, khi 4G vẫn đang là mạng di động được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam thì đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư của Viettel đã nhanh chóng nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ di động thế hệ thứ 5 và thực hiện kết nối thành công cuộc gọi 5G đầu tiên vào tháng 5-2019 với tốc độ tương đương mạng 5G trên thế giới. Với việc chính thức khai trương dịch vụ, Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ 5G tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 6.000 trạm thu, phát sóng.
Không những thế, với việc làm chủ hệ thống mạng lõi quan trọng, Viettel đã đưa Việt Nam gia nhập tốp 5 quốc gia đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G, chỉ sau Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Qua đó đưa nước ta song hành với thế giới trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và mang lại những trải nghiệm thú vị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Những ưu điểm của 5G đã được ứng dụng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là logistics. Theo đồng chí Hà Đông Tùng, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), mạng 5G đã phát huy tác dụng tối đa trong việc kết nối toàn bộ robot, máy móc với hệ điều hành trung tâm trong quy trình sản xuất, phục vụ đắc lực cho hoạt động chia, chọn hàng hóa. Khi chưa có công nghệ 5G, việc kết nối giữa các robot trong hệ thống gặp nhiều khó khăn do thế hệ mạng di động 4G tốc độ xử lý chậm hơn, độ trễ cao hơn mạng 5G. Trong một nhà máy, số lượng robot tự động có thể lên tới hàng trăm, vì vậy, chỉ cần một robot hoặc một thiết bị máy móc bị chậm, lệch nhịp sẽ kéo theo tốc độ của cả quy trình sản xuất bị chậm theo. Bên cạnh đó, khi một robot xử lý chậm hơn robot khác sẽ dễ dẫn đến va chạm, gây nguy hiểm cho hệ thống. Vì vậy, tốc độ xử lý nhanh, mạnh mẽ của 5G sẽ phát huy hiệu quả khi được sử dụng vào hoạt động kết nối, điều khiển máy móc. “Bên cạnh đó, công nghệ 5G sẽ được sử dụng để điều khiển các robot làm việc trong các kho hàng, bến bãi, những nơi chật hẹp và môi trường thiếu ánh sáng, độc hại, từ đó giảm gánh nặng công việc và mức độ nguy hiểm cho con người”, đồng chí Hà Đông Tùng cho biết.
Đối với người dân, các tính năng nổi trội của công nghệ 5G sẽ được thể hiện rõ nhất qua tốc độ truy cập internet. Với tốc độ nhanh gấp 10 lần 4G, công nghệ 5G sẽ giúp người dân có những trải nghiệm thú vị với các nội dung số có chất lượng cao cả về âm thanh lẫn hình ảnh. Đây cũng là nền tảng để các doanh nghiệp phát triển những dịch vụ, ứng dụng mới. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ không chỉ sản xuất nội dung số dưới dạng 2D để xem trên ti vi theo hình thức truyền thống mà còn cung cấp các nội dung dưới dạng thực tế ảo, khách hàng khi trải nghiệm sẽ có cảm giác chân thực giống như ngoài đời. Để làm được điều đó cần phải sử dụng công nghệ 5G với tốc độ truyền tải dữ liệu vượt trội so với mạng 4G.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan gian hàng mô phỏng ứng dụng 5G của Viettel. |
Mạng 5G sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, việc tiếp tục đầu tư nhanh và mạnh vào hoạt động hiện đại hóa, xây dựng kiên cố hạ tầng mạng lưới theo hướng xanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng của Tập đoàn. “Quan điểm nhất quán của Viettel là đưa sóng di động đến với tất cả người dân trên mọi miền Tổ quốc, cùng với đó là tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ 5G rộng khắp tới 100% tỉnh, thành phố trên cả nước, ứng dụng công nghệ 5G tại các khu công nghiệp, trung tâm nghiên cứu, nhà ga, cảng biển, sân bay...”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng nói.
Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Viettel sẽ nhanh chóng cung cấp hệ sinh thái dịch vụ, ứng dụng phong phú cho mạng 5G để có thể khai phá hiệu quả và đưa công nghệ mới này ứng dụng vào các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là tạo chuyển dịch cho các ngành như: Sản xuất, y tế, giáo dục, giao thông, logistics, góp phần mở rộng không gian tăng trưởng cho Viettel và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, công nghệ càng mới, càng hiện đại thì càng cần bảo đảm yếu tố an ninh cho người sử dụng, nhất là khi tội phạm công nghệ cao đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, Viettel cần triển khai xây dựng các giải pháp, công nghệ hiện đại để mang lại sự an toàn cho hệ thống và khách hàng trên không gian mạng.
Phát biểu tại lễ khai trương mạng di động 5G, Thượng tướng Phạm Hoài Nam ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu của Viettel trong thời gian qua, đồng thời đề nghị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời gian tới, Viettel cần thường xuyên quán triệt nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội về kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển dịch vụ viễn thông, công nghiệp quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục đổi mới tư duy, hành động; chủ động rà soát, cụ thể hóa, xây dựng, triển khai các đề án, kế hoạch phát triển dịch vụ viễn thông, công nghiệp quốc phòng phù hợp với thực tiễn.
Thượng tướng Phạm Hoài Nam mong muốn Viettel không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị điều hành, bám sát thực tiễn, phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả cao; triển khai thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số, xây dựng Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu đất nước. Tiếp tục tiên phong trong phát triển trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông, công nghiệp quốc phòng trong khu vực cũng như trên thế giới.
Bên cạnh đó, Viettel cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học-công nghệ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; tích cực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm dịch vụ mới hiện đại, phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội xúc tiến đầu tư, thương mại, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ di động không dây. Công nghệ 5G mang đến tốc độ kết nối tối đa ở điều kiện lý tưởng là 10Gbps, con số này nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ 1Gbps của công nghệ 4G. Điều này giúp cung cấp trải nghiệm trực tuyến nhanh chóng, liền mạch cùng độ trễ rất thấp. Bên cạnh đó, công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao và ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực tự động hóa, điều khiển từ xa, lĩnh vực có sự tham gia xử lý của máy móc, robot. Bên cạnh Viettel đã chính thức khai trương mạng 5G, các doanh nghiệp viễn thông khác như: VNPT VinaPhone, MobiFone cũng đang triển khai trải nghiệm 5G cho khách hàng, tiến tới chính thức cung cấp dịch vụ 5G trong thời gian tới.
Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG