Đón "sóng" bất động sản công nghiệp từ xu hướng xanh hóa
Lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để đón nhận "làn sóng" đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phương tiện điện, từ đó sẽ thúc đẩy hơn nữa nhu cầu về bất động sản công nghiệp, đồng thời đặt ra vấn đề cần khuyến khích việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.
Tăng trưởng nhu cầu bất động sản công nghiệp
Thị trường bất động sản công nghiệp trên cả nước tiếp tục đón nhận những tín hiệu khởi sắc với việc có thêm nhiều dự án mới gia nhập thị trường. Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2024, một số dự án bất động sản công nghiệp được phê duyệt đầu tư, khởi công giúp gia tăng nguồn cung mới.
Trong đó, có thể kể đến như: Cụm công nghiệp Tiên Cường II quy mô 50ha (tại Hải Phòng); cụm công nghiệp phía Đông Bắc quy mô 20ha (tại Thanh Hóa); VSIP Hà Tĩnh quy mô 190,41ha (tại Hà Tĩnh); cụm công nghiệp Đông Phú Yên quy mô 41,2ha (tại Hà Nội); Khu công nghiệp Việt Hàn mở rộng quy mô 147,31ha (tại Bắc Giang). Một số khu công nghiệp mới được triển khai có quy mô lớn như: Khu công nghiệp Hiệp Thạnh-giai đoạn 1 quy mô 495,17ha (tại Bình Phước); Khu công nghiệp Sông Công II-giai đoạn 2 (tại Thái Nguyên); Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn quy mô 599,76ha...
Một góc Khu công nghiệp - đô thị Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: CHÂU ĐỨC |
Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số IIP trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp đạt 6,83 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đăng ký cấp mới trong nửa đầu năm 2024. Theo Bộ Xây dựng, đây là những yếu tố tác động làm tăng nhu cầu về bất động sản công nghiệp khi xu hướng đầu tư vào các chuỗi nhà máy, dây chuyền sản xuất công nghiệp tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang có xu hướng tăng.
Công suất cho thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 tại các khu công nghiệp trọng điểm miền Bắc đạt hơn 80%, trong khi tại thị trường phía Nam, công suất cho thuê đạt khoảng 90%. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp miền Bắc đạt khoảng 70% với nhà kho xây sẵn và 85% với nhà xưởng xây sẵn; tại khu vực phía Nam, tỷ lệ này lần lượt đạt khoảng 60% và 85%. Nhu cầu tăng cũng đẩy giá cho thuê đất bình quân tại các khu công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 5-8% so với cùng kỳ năm trước.
Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái
Thời gian qua, Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp. Theo Savills, đơn vị chuyên về tư vấn bất động sản, sản xuất chip bán dẫn là động lực mới của Việt Nam. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam có thể vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao, Bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills tại Hà Nội đánh giá, nhu cầu đầu tư sản xuất, lắp ráp bán dẫn đã kéo theo sự gia tăng trong việc tìm kiếm nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Một số yêu cầu cơ bản từ các doanh nghiệp như: Nguồn điện ổn định, internet tốc độ cao và hệ thống xử lý nước hiệu quả. Theo ông Thomas, tại khu vực phía Bắc, vốn đầu tư chủ yếu từ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, điện tử... Do đó, khi "làn sóng" đầu tư về bán dẫn phát triển sẽ tạo thêm sức bật đối với bất động sản công nghiệp phía Bắc.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế để đón dòng vốn đầu tư xanh là yêu cầu bắt buộc. Xu hướng này đang được dẫn dắt, định hướng bởi các cam kết quốc tế mới, xu hướng phát triển kinh tế số, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo... Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đang nỗ lực từng bước để xanh hóa dòng vốn đầu tư.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã thể hiện sự quan tâm đến sản xuất xanh thông qua xây dựng các nhà máy trung hòa carbon ở Việt Nam, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng đến năm 2030, sẽ có 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới. Để thực hiện mục tiêu này, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn việc tái sử dụng nguyên vật liệu, chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh...
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện đề xuất xây dựng dự án luật về khu công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, đặc biệt là đối với các mô hình khu công nghiệp mới.
MẠNH HƯNG