Đề xuất dự án đô thị carbon 250 triệu USD ở TPHCM
Dự án sẽ tạo ra một hệ thống do TPHCM quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của thành phố.
Chiều 24/1, UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh thành phố.
Tại hội nghị, nhóm công tác chung TPHCM - WB (HWG) đã trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TPHCM.
Dự kiến, dự án được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 - 2025 và tiến hành thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
Thông tin về dự án, ông Marc Forni - chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của WB - nhìn nhận, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của thành phố. Trong khi đó, các nhãn hàng ở các quốc gia phát triển đang đứng trước áp lực về giảm dấu chân carbon và đặt ra ngày càng nhiều cam kết phát thải ròng bằng 0.
Trong bối cảnh đó, Dự án Đô thị carbon thấp tại TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên đã được xây dựng trong 18 tháng qua trên cơ sở phân tích APEX được thực hiện trong giai đoạn đầu của HWG, với mục tiêu giúp thành phố giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.
Theo đó, dự án sẽ tạo ra một hệ thống do TPHCM quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của thành phố.
Mặt khác, dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn. Điều này đã được chứng minh hiệu quả qua kinh nghiệm quốc tế.
Trước đó, thông tin một số chính sách về đến phát triển giao thông xanh trên địa bàn thành phố, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - cho biết Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép thành phố ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường…
Nghị quyết này cũng quy định UBND TPHCM có thẩm quyền thực hiện việc hạn chế hoạt động phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch tham gia giao thông. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch (xe chạy điện, xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro...).
Các chính sách này giúp TPHCM có thể chủ động linh hoạt trong việc kêu gọi, triển khai các thủ tục đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có vốn của các nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, theo đúng mục tiêu Quốc hội đã đặt ra cho TPHCM.
Ngoài ra, TPHCM cũng có thể tạo nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.