• :
  • :

Chủ động nắm bắt cơ hội từ VIFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) đang được tích cực xây dựng để có thể ký kết trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau và kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam và Israel sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nữa khi các ưu đãi và lợi thế từ VIFTA được tận dụng hiệu quả.

Cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

 Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Hằng năm, Israel thuộc top 22 thị trường hàng đầu trong số hơn 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra...

Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD. Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam... Chính vì thế, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản rất mong chờ khi VIFTA được ký kết, thực thi. Hiện nay, trong cơ cấu xuất khẩu, thị trường Israel chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi có sức mua, khả năng thanh toán cao.

Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng là ngành trông chờ VIFTA sớm ký kết, đi vào thực thi. Đánh giá cao tiềm năng từ thị trường Israel, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch Hội đồng DN nông nghiệp Việt Nam cho biết: "VIFTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam không chỉ tại thị trường Israel mà còn với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE); đồng thời, đây là bàn đạp để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân. Việc VIFTA được ký kết sẽ mang lại lợi ích cả về thuế quan lẫn vấn đề thông thương dễ dàng trong dòng chảy hàng hóa”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT. Ảnh: HƯƠNG DỊU

Theo các chuyên gia, mặc dù dung lượng thị trường của Israel khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 55.000USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Israel gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng, hàng đầu tư, nhiên liệu xăng dầu, kim cương thô... Về nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm, Israel nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, cụ thể bao gồm các mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giày dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm... trong khi Việt Nam được biết đến với tốc độ tăng trưởng nhanh và có lĩnh vực công nghiệp mạnh.

Tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn thị trường

 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel sẽ mang lại cơ hội cho tất cả DN. Tuy vậy, để nắm được cơ hội thì sự chủ động của chính các DN cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn tại thị trường nhập khẩu, DN cần chú ý đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ tại thị trường nhập khẩu, xây dựng thương hiệu. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị, giúp DN dệt may có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu.

Để đẩy mạnh kết nối vào thị trường này, hiện nay, DN đã kết nối với các đối tác Ấn Độ, Pakistan để tìm hiểu nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp với nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của thị trường Israel để có thể tận dụng ngay khi hiệp định được thực thi. Cơ hội nhiều, nhưng thách thức cho DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Israel không hề nhỏ. Điển hình là thông tin thị trường chưa sâu rộng. Do đó, ông Hồng đề xuất Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Israel cung cấp kịp thời thông tin về thị trường, các chính sách thương mại và sớm phổ biến thông tin khi hiệp định được ký kết để DN nghiên cứu, có định hướng tiếp cận.

 Lưu ý các vấn đề khi giao dịch với thị trường Israel, ông Lê Thái Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel cho biết, tập quán và thói quen kinh doanh của các DN Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (thủy, hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại...), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng.

Chính vì vậy, DN sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel. Ngoài ra, DN cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

MINH ĐỨC

Tags: VIFTA
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết