• :
  • :

Cần nhiều giải pháp để nâng chất doanh nghiệp Việt Nam

Trong bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có sự ví von đầy hình tượng khi nhắc đến thực trạng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam: “Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?". Nhận định ấy phản ánh một thực trạng không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả hệ thống chính trị cần nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp khắc phục.

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ lõi chiếm chưa đến 0,3%

Hiện nay, nước ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP Hà Nội. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghệ thông tin, bất động sản, giáo dục và đang có xu hướng đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu đánh giá kỹ lưỡng thực trạng phát triển của các doanh nghiệp, có thể nhận thấy nhiều hạn chế đang tồn tại. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2023, chỉ khoảng 2,5% doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ lõi chỉ chiếm chưa đến 0,3%. Đây là những con số đáng lo ngại, cho thấy sự yếu kém trong nội lực công nghiệp chế tạo. Sự chủ quan, tự mãn và thiếu quyết liệt đã khiến nhiều doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau.

Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ lõi chỉ chiếm chưa đến 0,3%. Ảnh minh họa: vietnamnet.vn 

Chính do khả năng tự chủ công nghệ còn yếu nên đã hạn chế năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) chưa cao, các doanh nghiệp trong nước vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào R&D còn hạn chế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, chi tiêu cho R&D của Việt Nam chỉ chiếm 0,5% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc (4,6% GDP) hay Trung Quốc (2,4% GDP). Việc chưa làm chủ được các công nghệ lõi cũng khiến các doanh nghiệp trong nước chưa tạo được những sản phẩm có giá trị cao, ảnh hưởng đến sự chủ động của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 18-20% trong các ngành công nghiệp trọng yếu như điện tử, dệt may.

Chỉ khoảng 10% lao động Việt Nam được đào tạo chuyên sâu

Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những tác động tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế đất nước, đóng góp khoảng 70% giá trị xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động, tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của FDI vẫn rất hạn chế khi chỉ chiếm khoảng 14%. Thực tế cho thấy, sự phụ thuộc quá nhiều vào FDI có thể khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trước những biến động của tình hình thế giới. 

Với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa nâng cao được vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi phần lớn công nghệ lõi đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, những đóng góp của chúng ta mới dừng lại ở mức gia công, lắp ráp cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy liên quan đến ô nhiễm môi trường. Hoạt động của nhiều nhà máy, khu công nghiệp chế biến, chế tạo trên cả nước gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước, đất, không khí, tác động xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đây là điều rất đáng lo ngại, đã được nhiều cơ quan chức năng cảnh báo, cần sớm có những biện pháp khắc phục để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn chưa thực sự được chú trọng. Lực lượng lao động nước ta tuy đông nhưng còn thiếu nhiều kỹ năng, hiện mới chỉ khoảng 10% được đào tạo chuyên sâu, trong khi các ngành công nghiệp yêu cầu kỹ thuật cao đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực. 

Cần có cơ chế kiểm soát để tránh nước ta thành bãi rác công nghệ

Để khắc phục được những hạn chế còn tồn tại, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường tự lực, phát triển công nghệ lõi, công nghệ chiến lược để có thể tự chủ trong xây dựng nền kinh tế của đất nước. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tận dụng tốt hơn nguồn lực FDI, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp quốc tế. 

Bên cạnh việc thu hút đầu tư, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế hợp tác để khuyến khích chuyển giao, chia sẻ công nghệ, dữ liệu giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Điều này sẽ tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, hấp dẫn; giúp các doanh nghiệp trong nước học hỏi, nắm bắt được các công nghệ tiên tiến của thế giới chứ không chỉ dừng lại ở vị trí gia công, lắp ráp, tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa thay đổi, phát triển và hội nhập, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cần được hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát khi chuyển giao công nghệ trong quá trình hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, tránh trường hợp các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia công nghiệp phát triển, có nguy cơ phát sinh chất thải nguy hại lại được chuyển giao về nước ta. Các thiết bị nhập khẩu cần phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, bảo đảm yếu tố vệ sinh, an toàn, không để nước ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Đối với hoạt động cải cách thể chế, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm cơ chế thông thoáng, công khai, minh bạch, tránh tình trạng xin-cho để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Đồng thời nghiên cứu đưa ra những chính sách thuế phù hợp để giảm gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực còn hạn chế, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Song song với các giải pháp nêu trên, muốn nâng cao chất lượng doanh nghiệp cần chú trọng yếu tố nguồn nhân lực. Để làm điều này, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục-đào tạo để sớm chuẩn hóa kỹ năng cho đội ngũ sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được ngay các yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách thu hút người tài thông qua xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Việc thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế sẽ giúp chúng ta thấy rõ các doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, tạo động lực mới để doanh nghiệp Việt Nam phát triển thực chất, bền vững, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá.

TS MẠC QUỐC ANH, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội

Tags: công nghệ
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...