• :
  • :

Bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn Thái Lan, Singapore?

Theo chuyên gia, tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam thể hiện ở khả năng sinh lời trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn cao, so với các nước và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Singapore, Hongkong do mặt bằng giá bất động sản đang thấp hơn.

Bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn Thái Lan, Singapore?

Tại Việt Nam, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong một thập kỷ vừa qua, dòng vốn FDI đã “chảy” mạnh vào thị trường bất động sản.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết: Năm 2010, dòng vốn FDI rót vào bất động sản đạt 671 triệu USD năm 2010, thế nhưng, đến tháng 10 năm 2024 đã tăng lên gấp gần 108 lần, đạt 72,35 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

bat dong san viet nam hap dan hon thai lan singapore hinh 1

Tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam thể hiện ở khả năng sinh lời trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn cao. (Ảnh: ST)

Riêng 10 tháng năm 2024 vốn FDI vào bất động sản đạt 5,226 tỷ USD chiếm 26,7% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Nguồn vốn FDI chủ yếu đổ vào 2 lĩnh vực chính là bất động sản công nghiệp và dùng để chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án. 

Về quy mô dự án, phần lớn các nhà đầu tư FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi thu hút FDI vào bất động sản.

Thứ nhất, sự ổn định chính trị- kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn FDI. 

  Theo ông Thịnh, Việt Nam đang trở thành một nơi hấp dẫn các nhà ĐTNN đầu tư với sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô. Kinh tế Việt Nam năng động, có sự tăng trưởng tích cực với tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn, đặc biệt là tốc độ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, với định hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng với vị trí địa lý kinh tế thuận lợi; Việt Nam cũng tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu rộng đã tạo cho môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. 

Thứ hai, môi trường kinh doanh và chính sách thu hút FDI ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, chính sách phát triển của Việt Nam thời gian tới vẫn có nhiều ưu đãi cho nguồn vốn FDI với với những quy định ưu đãi thay đổi cụ thể theo từng trường hợp khi việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được nhiều quốc gia thực hiện. 

“Chính những nhân tố đó là động lực vĩ mô thúc đẩy dòng vốn FDI gia tăng vào các ngành nghề lĩnh vực, trong đó có vốn đầu tư vào các doanh nghiệp bất động sản”, ông Thịnh nói.

Thứ ba, tiềm năng đầu tư bất động sản còn rất lớn và hệ thống pháp lý trong lĩnh vực bất động sản ngày càng hoàn thiện với việc ban hành Luật đất đai năm 2024, Luật kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật kinh doanh nhà ở năm 2023, Luật đấu thầu, Luật đầu tư…

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình bất động sản  mới. 

Tính hấp dẫn còn thể hiện ở khả năng sinh lời trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam còn cao, so với các nước và vùng lãnh thổ như: Thái Lan, Singapore, Hongkong do mặt bằng giá bất động sản đang thấp hơn. 

 

Thứ tư, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây là cơ hội để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản.

Thứ năm, tình hình hiện tại và xu hướng kêu gọi vốn FDI của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. 

Ông Thịnh phân tích: Thực trạng về vấn đề vốn hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản còn khá khó khăn và chưa thể giải quyết nhanh chóng. 

“Nguồn vốn truyền thống từ huy động của khách hàng, phát hành trái phiếu và vốn vay ngân hàng hiện tại vẫn đang đình trệ, niềm tin của nhà đầu tư còn chưa phục hồi. Do đó, tất yếu các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải huy động nguồn lực từ bên ngoài”, ông Thịnh nói.

Giữ nhịp độ tăng trưởng cao là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư FDI

Để tạo ra điểm nhấn thu hút FDI vào bất động sản, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, đẩy mạnh phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá hối đoái với USD, giữ nhịp độ tăng trưởng cao là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư FDI rót vốn vào Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng. 

“Đây là tiền đề cần duy trì để Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn FDI. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát tạo cơ sở cho thị trường bất động sản phục hồi, tăng tính hấp dẫn nhằm thu hút vốn FDI”, ông Thịnh cho biết.

bat dong san viet nam hap dan hon thai lan singapore hinh 2

Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. (Ảnh: ST)

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính về bất động sản. Trước mắt sớm ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn chi tiết các nội dung các Luật liên quan mới ban hành, làm cơ sở để các doanh nghiệp và các nhà đầu tư FDI yên tâm hoạt động. 

Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý còn tồn đọng như về quy hoạch, hình thành bảng giá đất mới theo Luật 2024, đấu thầu đất đai… Chú trọng đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị từ phía doanh nghiệp.

Thứ ba, cần hoàn thiện và sớm ban hành công khai quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền và cả nước trên cơ sở khoa học và thực tiễn. 

Trên cơ sở đó, giữ ổn định lâu dài quy hoạch, kế hoạch các dự án đầu tư để các nhà đầu tư an tâm tính toán hiệu quả lâu dài của các dự án, yên tâm đầu tư vốn vào nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản.

Thứ tư, xây dựng môi trường kinh doanh bất động sản thuận lợi, minh bạch và công bằng đối với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và nhà đầu tư FDI. Cần có chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển, cũng như giám sát thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản. 

Thực hiện quản lý cung- cầu các loại hình bất động sản phù hợp với từng thời kỳ phát triển của thị trường, kịp thời điều chỉnh khi có sự dư cung hay sự tăng giá quá mức ở các loại hình bất động sản trên thị trường. Thực hiện tái cơ cấu thị trường BĐS phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Thứ năm, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành các chính sách ưu đãi bổ sung nhằm thu hút vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản phù hợp các cam kết quốc tế, phù hợp với pháp luật Việt Nam và đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và đảm bảo lợi ích của Nhà nước, theo hướng giảm dần ưu đãi thuế, kết hợp với ưu đãi cắt giảm chi phí đầu tư, chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện…

Lượt xem: 10
Tác giả: Định Trần
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...