• :
  • :

Một công ty từng là 'biểu tượng khởi nghiệp' sụp đổ sau 2 năm: Cổ phiếu bốc hơi 99%, vốn hóa từ 1,5 tỷ USD chỉ còn 9 triệu USD, cổ đông ước giá như chưa lên sàn

Startup này giờ đây trở thành ví dụ điển hình cho việc tiếp cận quá mức lĩnh vực công nghệ, trong khi tiền nhà đầu tư cạn kiệt vì lãi suất tăng.

 

Một công ty từng là 'biểu tượng khởi nghiệp' sụp đổ sau 2 năm: Cổ phiếu bốc hơi 99%, vốn hóa từ 1,5 tỷ USD chỉ còn 9 triệu USD, cổ đông ước giá như chưa lên sàn

Vào tháng 7/2021, tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa nổi bật với sắc đỏ rực rỡ của dòng chữ điện tử: “Kỳ lân trị giá 1,5 tỷ USD đầu tiên của Trung Đông niêm yết trên sàn Nasdaq”. Sự kiện hào nhoáng này nhằm quảng bá hình ảnh cho Swvl - một công ty ôm tham vọng trở thành sự kết hợp hoàn hảo giữa ứng dụng gọi xe và dịch vụ xe bus ngay trong thành phố.

Hai mươi tháng sau, cổ phiếu công ty có trụ sở tại Dubai này bốc hơi hơn 99%. Giá trị thị trường hiện chỉ rơi vào khoảng 9 triệu USD sau khi thoát khỏi cái bóng “kỳ lân” hơn 1 tỷ USD.

Từng được Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum ca ngợi là biểu tượng cho tinh thần khởi nghiệp Trung Đông, Swvl giờ đây trở thành ví dụ điển hình cho việc tiếp cận quá mức lĩnh vực công nghệ, trong khi tiền nhà đầu tư cạn kiệt không phanh vì lãi suất tăng. Nó cũng cho thấy rủi ro của việc cố gắng xây dựng một doanh nghiệp giữa các thị trường mới nổi dễ bị tổn thương sau khi đồng USD tăng giá.

Swvl được đồng sáng lập tại Cairo vào năm 2017 bởi cựu Giám đốc điều hành Rocket Internet SE Mostafa Kandil, Ahmed Sabbah và Mahmoud Nouh. Bộ ba thành lập công ty và coi đây như một giải pháp cho những hành khách không muốn phụ thuộc vào phương tiện công cộng song không thể trả khoản phí đi chung đắt đỏ.

Những ngày đầu đầy hứa hẹn, Swvl huy động được gần 100 triệu USD qua nhiều vòng gọi vốn từ Beco Capital, VNV Global, Digame Investment, Armistice Capital và một số nhà đầu tư khác. Công ty đầu tiên rót vốn 500.000 USD là Careem có trụ sở tại Dubai - một công ty gọi xe mà Uber sau đó đã mua lại.

Một công ty từng là biểu tượng khởi nghiệp sụp đổ sau 2 năm: Cổ phiếu bốc hơi 99%, vốn hóa từ 1,5 tỷ USD chỉ còn 9 triệu USD, cổ đông ước giá như chưa lên sàn - Ảnh 1.

Swvl trở thành ví dụ điển hình cho việc tiếp cận quá mức lĩnh vực công nghệ, trong khi tiền nhà đầu tư cạn kiệt vì lãi suất tăng.

Vào năm 2019, Swvl mở văn phòng tại Dubai và tham vọng mở rộng quy mô ra nước ngoài. Ngày mong muốn được ra mắt công chúng, nó cũng đạt thỏa thuận hợp nhất với Queen's Gambit Development Capital, một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Vào thời điểm đó, SPAC được coi là cơn sốt. Đây đơn thuần chỉ là ‘một công ty vỏ bọc’ được giao dịch công khai, không có hoạt động kinh doanh nào khác ngoài việc tìm cách sáp nhập với một công ty khác.

Theo các chuyên gia, nhóm doanh nghiệp ưa thích sử dụng SPAC thường là các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ trong những lĩnh vực mới nổi. Các công ty được nhắm mục tiêu mua lại thường đưa ra những dự báo rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu.

“Thị trường IPO đang rất sôi động. Nếu một công ty gặp khó khăn khi lên sàn bằng cách thức truyền thống có thể lựa chọn SPAC. Phương thức này giúp các công ty lên sàn và huy động vốn rất nhanh”, ông Matthew Kennedy, chiến lược gia cấp cao về thị trường IPO, quỹ đầu tư Renaissance Capital cho hay.

Với mác “kỳ lân 1,5 tỷ USD”, Swvl trở thành một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất trong khu vực. Nó vươn ra khắp các châu lục, hoạt động ở Kenya, Pakistan, sau đó chuyển đến Mexico vào năm ngoái. Ngày thỏa thuận với Queen's Gambit được công bố, doanh thu Swvl hàng năm đạt 55 triệu USD. Tin đồn về mức lương hấp dẫn cùng cơ hội được đi công tác nhiều nơi cũng biến đây trở thành nhà tuyển dụng đáng tin cậy nhất nhì Trung Đông.

Một công ty từng là biểu tượng khởi nghiệp sụp đổ sau 2 năm: Cổ phiếu bốc hơi 99%, vốn hóa từ 1,5 tỷ USD chỉ còn 9 triệu USD, cổ đông ước giá như chưa lên sàn - Ảnh 2.

Nhóm doanh nghiệp ưa thích sử dụng SPAC thường là các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ trong những lĩnh vực mới nổi.

Theo Bloomberg, Swvl đã mời Youssef Salem, một ông chủ ngân hàng, làm Giám đốc tài chính. Vào năm 2021, công ty mua nền tảng vận tải có trụ sở tại Argentina ViaPool để mở rộng sang Mỹ Latinh. Đến năm 2022, nó mua công ty di động Door2door có trụ sở tại Berlin, sau đó mở rộng hoạt động tại Neom - thành phố công nghệ cao trị giá 500 tỷ USD của Ả Rập Xê út. Ali Halabi, người sáng lập Volt Lines, cho biết động thái của Swvl là “siêu thông minh”. “Có một Uber-for-bus đang được hình thành”, Ali Halabi nói.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô không ủng hộ. Lạm phát Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 năm 2022. Việc tiền tệ mất giá, đặc biệt tại Ai Cập - nơi hoạt động kinh doanh của Swvl chiếm ưu thế, đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ.

Vào tháng 5, Swvl cắt giảm hơn 30% nhân sự. Đến tháng 11, tỷ lệ này nâng lên 50%. Công ty cũng ngừng hoặc thu nhỏ một số hoạt động tại nhiều quốc gia để tập trung chủ yếu vào Ai Cập và Mexico.

Năm tuần sau, Swvl thành lập ủy ban đặc biệt để tham mưu triển vọng trong tương lai. Cổ phiếu tăng vọt ngay sau đó song đà tăng không kéo dài. Việc nó liên tục bị giao dịch ở mức dưới 1 USD khiến các nhà đầu tư của Swvl suy sụp.

“Lẽ ra công ty này không nên niêm yết cổ phiếu. Swvl, như bạn có thể thấy, đã hoàn toàn tụt dốc”, Per Brilioth, Giám đốc điều hành của VNV Global, một trong những cổ đông chính của Swvl, nói.

“Rất nhiều vấn đề với các công ty hoạt động theo hình thức SPAC này”, Usha Rodrigues, giáo sư luật tại Đại học Georgia cho biết.

Swvl không phải công ty khởi nghiệp duy nhất ở Trung Đông không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư. Ứng dụng chuyển phát nhanh Fetchr có trụ sở tại Dubai cũng lụi tàn sau khởi đầu đầy hứa hẹn gần một thập kỷ trước đó. Công ty khởi nghiệp trò chuyện bằng giọng nói Yalla Group cũng niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào năm 2020 song định giá nay chỉ còn 600 triệu USD - rơi từ mức cao kỷ lục 6 tỷ USD.

Theo: Bloomberg

Theo Vũ Anh