Món bánh quê giúp nhóm học sinh Cần Thơ vừa đạt giải SV_STARTUP 2023
Từ món ăn dân dã của quê hương, nhóm học sinh cấp 2 tại Cần Thơ đã sáng tạo khởi nghiệp thương hiệu Bánh tằm Thới Long sấy khô và nhận được nhiều chú ý từ thực khách và giới chuyên môn.
Tìm tòi, học hỏi
Nhận thấy thời gian bảo quản bánh tằm (món bánh đặc trưng của miền Tây Nam Bộ) còn hạn chế, nhóm học sinh của trường THCS Thới Long (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), do bạn Bùi Nguyễn Ngọc Trâm (lớp 9A5) làm trưởng nhóm đã sáng tạo sản phẩm bánh tằm sấy khô và được phổ biến rộng rãi trên thị trường.
Trâm cho biết, hiện, bánh tằm tươi có đặc thù chỉ có hạn sử dụng trong ngày, nhiều cơ sở, chủ gian hàng phải bỏ bánh nếu phân phối, buôn bán không hết. Do đó, phát triển bánh tằm sấy khô sẽ tăng hiệu quả hoạt động sản xuất cho cơ sở, tạo hướng đến sản xuất quy mô công nghiệp giải phóng sức lao động.
Tuy nhiên, để cho ra sản phẩm bánh tằm sấy khô chất lượng, các bạn học sinh này cũng trải qua nhiều tìm tòi, nhất là trong khâu sấy khô. Không ít lần các bạn gặp thất bại vì chưa có kinh nghiệm sử dụng nhiệt độ.
"Đầu tiên, chúng em chọn nhiệt độ 0C1 để thử nghiệm sấy bánh, nhưng vì nhiệt không hợp lý khiến bánh khô không đều, chỗ khô ngã vàng. Chúng em phải quay lại nghiên cứu lại nhiệt độ, thử đi thử lại 3 lần nữa thì mới thu được sản phẩm chất lượng.
Qua 4 lần thử nghiệm chúng em thấy, nếu hạ nhiệt độ xuống và tăng thời gian sấy lên thì bánh sẽ tách nước tốt và ít làm biến tính của bánh, cũng như để xác định chính xác hơn nhiệt độ phù hợp để làm khô bánh và bảo quản được lâu nhất có thể." - em Trâm chia sẻ.
Hoàn thành khâu sấy bánh, các bạn học sinh lại tiếp tục hút chân không để bánh giữ được lâu hơn. Theo đó, thời điểm hiện tại, sản phẩm giữ được 7 ngày, đảm bảo trong quá trình di chuyển cho khách hàng ở xa.
"Nguồn nguyên liệu địa phương dồi dào, sản phẩm là đặc sản địa phương nên mang tính riêng biệt, mới lạ là điểm thuận lợi của chúng em. Nhưng, điều mà chúng em còn trăn trở là chúng em chỉ có máy sấy công suất nhỏ nên tạo ra sản phẩm tốn nhiều chi phí điện, mất nhiều thời gian nên giá thành cho sản phẩm còn cao." - bạn Trâm nói thêm.
Động lực từ quê hương
Hiện tại, nhóm khởi nghiệp trẻ đã quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội và các cơ sở bán hàng. Nhóm còn mở cuộc khảo sát với khách hàng từ tháng 8.2022 và đa phần đều nhận được phản hồi tích cực từ thực khách.
Là người buôn bán bánh tằm lâu năm, bà Lê Thị Thu Hương (phường Thới Long, quận Ô Môn) cho biết "Tôi làm ăn thử thì thấy cũng ngon lắm, giống như bánh tằm tươi. Tôi thử nghiệm bán thử thì thực khách đều khen ngon"
"Mục đích lớn nhất cũng như chủ đạo nhất của dự án là góp phần bảo tồn cũng như phát triển làng nghề truyền thống bánh tằm ở địa phương. Dự định trong tương lai, bánh tằm sẽ hoàn thiện hơn phần nhân đi kèm để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng." - cô Phạm Thị Ngọc Hoa (giáo viên hướng dẫn nhóm, trường THCS Thới Long) chia sẻ.
Theo đó, trong năm 2023, nhóm sẽ tiếp tục quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh lân cận, định hướng trở thành mặt hàng thực phẩm ăn liền độc đáo và ấn tượng, đạt doanh thu 50 triệu năm 2023.
Từ năm 2024 sẽ hoàn thiện thêm các nhân, xíu mại đi kèm cho sản phẩm cũng như nâng thời gian bảo quản lâu hơn để mở rộng thị phần ở các tỉnh trên phạm vi toàn quốc cho sản phẩm.
Mới đây, khi tham gia Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức, sản phẩm Bánh tằm Thới Long sấy khô của nhóm học sinh học sinh trường THCS Thới Long đã đạt giải ba. Được biết, từ 508 dự án, ban tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi.
Hoạt động thường niên nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.