Mách thanh niên cách ứng dụng công nghệ để khởi nghiệp trong thời đại số
Đón đầu công nghệ để khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, hướng đi đúng đắn nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Đây là nhận định của nhiều diễn giả, khách mời tại diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại công nghệ số” do Quận đoàn Ba Đình (Hà Nội) tổ chức ngày 26/2.
Tìm ý tưởng từ thực tiễn cuộc sống
Được biết đến là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của 4 dự án khởi nghiệp vì cộng đồng và người cao tuổi, chị Ngô Thùy Anh cho rằng ý tưởng khởi nghiệp khaông phải cái gì cao xa mà bắt nguồn từ chính cuộc sống của chúng ta.
“Ông mình bị bệnh và nằm trên giường gần 10 năm. Dù các thành viên trong gia đình hết lòng chăm sóc nhưng không thể ở bên cạnh ông 24/24. Khi mình hỏi: “Ông sợ điều gì nhất trên đời?” đã nhận được câu trả lời rất bất ngờ.
Ông nói “sợ phải sống lâu”. Nhiều người cao tuổi có nỗi sợ giống nhau. Họ sợ cô đơn, sợ trở thành gánh nặng cho con cháu… Mình muốn làm gì đó để người cao tuổi không gặp phải những cảm xúc như ông nội mình và dự án khởi nghiệp HASU ra đời”, chị Thùy Anh chia sẻ.
Các vị khách mời tham gia diễn đàn |
HASU hiện đang phát triển ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi trở lên. Sau một thời gian phát triển hiện có hơn 12 ngàn người từ 50 tuổi trở lên sử dụng HASU để tập thể dục, giải trí và kết nối.
Đã có lúc chị Thùy Anh có suy nghĩ giống như nhiều người khi cho rằng người già dễ bị lạc hậu về công nghệ. Tuy nhiên khi thực hiện dự án chị nhận ra không phải người cao tuổi là lạc hậu.
“Người cao tuổi đón nhận công nghệ theo cách rất riêng. Vì thế, ở HASU chúng mình có nhiều hoạt động giúp người cao sử dụng công nghệ như đến tận nơi hướng dẫn. Sau này, ứng dụng được phát triển thành hệ sinh thái toàn diện, phục vụ người cao tuổi giúp họ nâng cao đời sống”, chị Thùy Anh cho biết.
Hẹn hò tưởng như chỉ là chuyện riêng của cặp đôi nào đó nhưng đã được chị Vũ Nguyệt Ánh ứng dụng công nghệ, phát triển thành thương hiệu thu hút người dùng. Hiện chị là nhà sáng lập và điều hành thương hiệu hẹn hò Rudicaf.
Đoàn viên đặt câu hỏi cho các vị khách mời |
Chị Nguyệt Ánh cho biết: “Nếu nghe qua mọi người sẽ nghĩ “Rudicaf” là viết tắt của một cụm từ tiếng Anh nhưng không phải đây là từ thuần Việt. Mỗi khi chúng đi muốn gặp gỡ ai đó thường sẽ nói “Đi cà phê đi” và “Rudicaf” chỉ đơn giản là “Rủ đi cà phê”. Ý tưởng khởi nghiệp của mình bắt nguồn từ những điều bình thường trong cuộc sống”.
Tổ chức Đoàn, Hội đồng hành cùng thanh niên
Theo chị Nguyệt Ánh, ý tưởng có thể tìm trong cuộc sống nhưng muốn biến thành dự án khởi nghiệp bạn phải tạo ra sự khác biệt và biết phân biệt giữa thích và đam mê. “Thích” chỉ là sự nhất thời, nó sẽ mất đi khi bạn gặp khó khăn còn đam mê sẽ giúp bạn có ý chí để vượt qua tất cả.
Chị Thùy Anh bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực hẹn hò từ năm 2011. Thời điểm đó có rất ít dịch vụ hẹn hò, với website là tiêu biểu và hướng đến tất cả mọi người nên không đảm kết nối, chất lượng người tham.
Bí thư Quận đoàn Ba Đình Nguyễn Thị Thanh Phượng tặng hoa tri ân đến các khách mời |
“Mình xác định tạo sự khác biệt, dịch vụ chất lượng hơn vì thế đối tượng khách hàng hướng đến là người có trình độ, công việc và thu nhập tốt. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mình phải đóng cửa công ty vì rất khó thuyết phục “khách hàng cao cấp” sử dụng. Mình phải kéo cày trả nợ bằng cách đi làm thuê cho các công ty
Năm 2016, mình trở lại khởi nghiệp lần hai với Rudicaf. Mình không dám nhận là thành công vì còn nhiều khó khăn nhưng hiện Rudicaf đã có thương hiệu trên thị trường. Vì vậy, muốn khởi nghiệp bạn phải chuẩn bị cho mình hành trang. Nếu chưa có hãy đi làm thuê trước để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm”, chị Nguyệt Ánh chia sẻ.
Ngoài tự trang bị kiến thức cho bản thân, tổ chức Đoàn- Hội cũng sẽ đồng hành cùng các bạn thanh niên trên con đường khởi nghiệp. Đó là khẳng định của đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội.
Các đội hình tình nguyện trong Tháng Thanh niên 2022 của tuổi trẻ quận Ba Đình |
Theo đồng chí Trần Quang Hưng, người trẻ hiện nay rất chủ động trong đón đầu công nghệ và nhiều người đã khởi nghiệp thành công. Để đồng hành với các bạn thanh niên khởi nghiệp, Thành đoàn – Hội Sinh viên thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài nguồn vốn vay theo ngân hàng chính sách, Thành đoàn Hà Nội còn có mối quan hệ với hơn 150 quỹ đầu tư và sẵn sàng trở thành cầu nối để các bạn trẻ có thể tiếp cận với nguồn vốn này.
“Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực khác như: Tạo nền tảng số hóa sinh viên; Tổ chức mô hình vườn ươm tại các trường đại học, chương trình hội thảo chuyên sâu với sự tham dự của khách mời quốc tế hay những cuộc thi lớn về khởi nghiệp… Từ những hoạt động này tạo ra sân chơi, nơi giao lưu, hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo”, đồng chí Trần Quang Hưng cho biết.
Ngày 26/2, Quận đoàn Ba Đình tổ chức lễ ra quân Tháng Thanh niên 2022. Đồng chí Trần Quang Hưng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội tới dự. Để cụ thể hóa kế hoạch ra quân Tháng Thanh niên 2022, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, rộng rãi, an toàn và phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, Ban Thường vụ Quận đoàn Ba Đình đã thành lập 7 đội hình thanh niên tình nguyện. Các đội hình gồm: “Phản ứng nhanh phòng chống dịch”, “Hỗ trợ bệnh nhân F0 tại nhà”, “Hỗ trợ thanh niên ứng dụng chuyển đổi số”, “Thanh niên đảm bảo an toàn tới trường”, “Tự quản đảm bảo trật tự và văn minh đô thị”, “Hỗ trợ du lịch Thăng Long Hà Nội”, “Tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện”. Ngay sau lễ ra quân Tháng Thanh niên 2022, các cơ sở Đoàn trực thuộc trên địa bàn quận đồng loạt tổ chức các hoạt động: Vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo rao vặt, hỗ trợ tiêm chủng, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. |