Đồng hành và phát huy tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ Đà Nẵng
Thời gian qua, phong trào “Thanh niên khởi nghiệp” đã được các cấp bộ Đoàn TP Đà Nẵng quan tâm, hỗ trợ, là động lực để thanh niên vươn lên khởi nghiệp, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Việt Nam hiện là một trong những trung tâm khởi nghiệp mới ở khu vực và trên thế giới. Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp là một chủ trương và định hướng được Chính phủ quan tâm, dành nhiều ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Điều đó được thể hiện thông qua hệ thống chính sách hỗ trợ hết sức đa dạng, từ Trung ương tới địa phương.
Từ “sân chơi” học thuật, chắp cánh ước mơ khởi nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đây là một trong những nền móng rất quan trọng để các tổ chức, cá nhân, cơ sở đào tạo có căn cứ pháp lý để xác lập, triển khai hoạt động.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, Thành đoàn luôn đồng hành và hỗ trợ thanh niên có điều kiện khởi nghiệp tốt nhất (Ảnh: Đ.Minh) |
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng chia sẻ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị lựa chọn nội dung “Tiên phong trong ứng dụng khoa học - công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế” là một trong những khâu đột phá để xây dựng, triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn thành phố trong nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng hiện nay rất lớn. Thành đoàn Đà Nẵng với tư cách là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên, sẽ đồng hành và hỗ trợ thanh niên luôn suy nghĩ làm sao giúp các bạn thanh niên có điều kiện khởi nghiệp tốt nhất.
“Kịp thời nắm bắt các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp được thành phố ban hành, Thành đoàn Đà Nẵng đã từng bước đưa phong trào thanh niên khởi nghiệp đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 nhóm đối tượng, gồm: Sinh viên các trường đại học, cao đẳng; Thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp và doanh nhân trẻ, thanh niên là chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh”, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết.
Những cuộc thi vừa là “sân chơi” vừa là bệ phóng, chắp cánh cho những ước mơ sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên (Ảnh: Út Vũ) |
Có thể kể đến những cuộc thi vừa là “sân chơi” vừa là bệ phóng, chắp cánh cho những ước mơ sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên như: Cuộc thi Sinh viên Đông Á khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2023; Cuộc thi "Khởi nghiệp Công nghệ trong sinh viên” lần thứ III (InTE_UD 2023); Cuộc thi Startup Runway 2023; Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Chính từ những “sân chơi” này, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong sinh viên được ươm mầm, cọ xát để học hỏi, hoàn thiện. Từ đó, các dự án không những tiếp tục được nâng tầm, tham dự các cuộc thi khởi nghiệp tầm vóc quốc gia, quốc tế mà còn thực sự đi vào thực tế cuộc sống, ứng dụng hiệu quả để phục vụ cộng đồng.
Đến nay, TP Đà Nẵng đã ban hành 19 chính sách liên quan hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành mạng lưới 6 vườn ươm, 4 quỹ đầu tư, 2 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 10 câu lạc bộ khởi nghiệp, 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Thành đoàn Đà Nẵng (trái) trong buổi giới thiệu về máy ngắt nước và đèn tự động khu vực vệ sinh học sinh của Quận đoàn Thanh Khê (Ảnh: Đ.Minh) |
Được biết, TP Đà Nẵng giữ vai trò trung tâm của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, là một trong 3 trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Thành phố có sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Đề xuất Trung ương hỗ trợ phát triển Đà Nẵng "trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"; Trước mắt cho phép triển khai áp dụng một số cơ chế chính sách ưu đãi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố.
Cần được trang bị kỹ năng thực hành khởi nghiệp
Giảng đường đại học là nơi tốt để bắt đầu kinh doanh bởi đó là nơi thúc đẩy sự sáng tạo, là nơi đầy ắp các ý tưởng của hàng ngàn sinh viên và là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng kinh doanh.
Sinh viên Phạm Giang My chia sẻ, sinh viên khởi nghiệp có thuận lợi và khó khăn, tuy nhiên lại có nhiều lợi thế đó chính là sức trẻ, sức sáng tạo cực kỳ lớn (Ảnh: NVCC) |
Sinh viên Phạm Giang My, khoa Quản trị Kinh doanh (trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay sinh viên khởi nghiệp có thuận lợi và khó khăn. Trong số đó, các mối quan hệ chưa đủ rộng; Kinh nghiệm chưa nhiều; Nguồn lực tài chính thiếu, chưa cân đối được giữa việc học và tham gia hoạt động ngoại khoá về khởi nghiệp.
Tuy nhiên, các bạn lại có nhiều lợi thế đó chính là sức trẻ, sự sáng tạo cực kỳ lớn. Nhà trường trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng start-up mà là khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp sinh viên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề tạo ra sự tác động đối với xã hội.
Đồng thời, nhà trường tạo lập liên kết trao đổi sinh viên giữa các trường để sinh viên có thể tham gia vào các dự án khởi nghiệp ở trường khác hoặc ở khu vực tư nhân đang có hoặc mời các start-up tham gia không gian làm việc của mình để làm quen, trải nghiệm và dần dần phát triển các dự án.
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, thanh niên, sinh viên là nguồn lực trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Út Vũ) |
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Với định hướng phát triển nhân lực và phát triển đời sống kinh tế, xã hội ở miền Trung - Tây Nguyên, trường Đại học Kinh tế đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với các vườn ươm (DNES, Song Han Incubator...) và các hội doanh nghiệp, doanh nhân trẻ ở khu vực và cả nước. Điều này góp phần xây dựng một mạng lưới khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên và cựu sinh viên với doanh nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng, phát triển tinh thần khởi nghiệp của sinh viên sau khi ra trường”.
Đổi mới và sáng tạo luôn đi liền với nhau, để tạo sự năng động cho nền kinh tế đáp ứng khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, tinh thần khởi nghiệp cũng đã được lan toả mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam.
Thực tiễn hoạt động giảng dạy và đào tạo những năm qua của trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã thể hiện rất rõ hai hướng tiếp cận mới này, sáng tạo và khởi nghiệp, trong bối cảnh chung của quốc tế và quốc gia.
“Là thế hệ không ngại thay đổi cũng như có khả năng thích ứng cao với những xu thế mới và tiến bộ công nghệ, thanh niên, sinh viên là nguồn lực trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc giúp cho các em nhận thức được vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát khao, mong muốn được khởi nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng”, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên vẫn còn nhiều hạn chế như: Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ còn ít kinh nghiệm; chính sách dành cho đội ngũ hướng dẫn sinh viên còn hạn chế; Tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp cho sinh viên còn ít, chưa sát với thực tiễn; Một bộ phận sinh viên ngại khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo, chưa cân đối được giữa việc học và tham gia hoạt động ngoại khóa về khởi nghiệp.
Sinh viên được xem là “hạt nhân” của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Đ.Minh) |
TS Võ Duy Khương - Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, thực tế đáng buồn hiện nay là hầu hết các dự án khởi nghiệp sau giai đoạn hình thành ý tưởng với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết, thường là sinh viên đang học tập hoặc đã ra trường nhưng do chưa có kiến thức cơ bản về mô hình và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào, nên khi gặp những rắc rối ban đầu là đã vỡ trận. Đa phần các nhân sự của các dự án không chịu học hỏi để tìm phương án mở rộng thị trường, nâng cao tính vượt trội của sản phẩm để cạnh tranh bền vững.
Ngoài việc thiếu chính sách đặc thù, dân số vẫn yếu tố quan trọng quyết định việc khu vực đó có nhiều dự án khởi nghiệp hay không, nhất là khi Đà Nẵng chỉ có trên khoảng 1 triệu dân, trong khi dân số của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lớn trên khoảng 8 triệu. Dù Đà Nẵng không phải là trung tâm kinh, tế tài chính lớn của cả nước nhưng địa phương này lại có nhiều thuận lợi để các công ty đầu tư vào các ngành giáo dục nghiên cứu và công nghệ cao.