• :
  • :

Cần phát triển mô hình quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Chiều 3-6, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo Chính sách đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết: “Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Nghị định về vấn đề quản lý nhà nước đối với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu nhằm hoàn thiện Nghị định để làm sao thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Trong đó cũng có vấn đề các quỹ đầu tư hoạt động như thế nào, vai trò của các quỹ ra sao, sự khác nhau giữa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo...”.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng 3.800 startup, trong đó có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD, gồm: Momo, VNG và VNLife.

Một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là khả năng tiếp cận nguồn vốn. Ngày 11-3-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP với những quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.

Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam công bố bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, tổng số tiền đầu tư mạo hiểm năm 2021 vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, khoảng 90% của số lượng vốn này là vốn ngoại từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

 Toàn cảnh hội thảo.

Do phần lớn vốn đầu tư là nguồn vốn nước ngoài, các startup Việt thường sẽ phải triển khai theo đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện tái cơ cấu để nhận nguồn vốn hoạt động này. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, thường là Singapore, rồi rót vốn vào công ty mẹ này. Đây là thực tiễn không chỉ tại Việt Nam mà đã diễn ra tại hầu hết các thị trường mới nổi như: Indonesia, Malaysia, Philippines…

Theo các chuyên gia, việc phát triển mô hình quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo minh bạch và an toàn sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn nội và vốn ngoại thực chất và hiệu quả. Đồng thời, giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp với mong muốn của mình.

Tin, ảnh: LA DUY

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...