• :
  • :

Tìm ra bí thuật để bộ não nhớ lâu hơn - hãy nhớ những điều có ý nghĩa

Cách ghi nhớ đơn giản nhất mà hầu hết chúng ta đều áp dụng là lặp lại điều cần nhớ nhiều lần. Tuy vậy, cách làm đơn giản này không hiệu quả như chúng ta vẫn nghĩ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, chìa khóa để lưu giữ thông tin là liên tưởng nó tới những điều có ý nghĩa thay vì lặp lại nó như một con vẹt.

Một nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề này là công trình của một nhóm nhà khoa học Canada được xuất bản trên tạp chí NeuroImage số tháng 6 năm 2017.

Trong công trình này, 25 người lớn khỏe mạnh tham gia thử nghiệm được nghe một số câu hoặc danh sách từ trong vài giầy rồi lặp lại nó, sau đó người ta kiểm tra xem họ có thể nhớ được bao nhiêu. Sóng não của người tham gia được ghi nhận hai lần: khi lặp lại đề bài lúc đầu và khi kiểm tra lại. Qua ảnh chụp não, các nhà khoa học xác định các hoạt động não liên quan tới trí nhớ về âm thanh và ý nghĩa.

Bộ não của chúng ta áp dụng hai chiến lược khác nhau để ghi nhớ khi học thông tin mới, từ mới: nhắc lại âm thanh của từ trong trí não hoặc suy nghĩ về ý nghĩa của nó. Cả hai cách đều tạo ra trí nhớ ngắn hạn khá tốt, nhưng cách thứ hai sẽ hiệu quả hơn trong việc lưu giữ thông tin dài hạn, trưởng nhóm nghiên cứu-tiến sĩ thần kinh học Meltzer cho biết trên Science Daily.

Theo tiến sĩ Meltzer, trước đây đã có những nghiên cứu về việc hình thành trí nhớ ngắn hạn nhưng phải đến nghiên cứu này chúng ta mới biết được là, ý nghĩa của từ sẽ giúp chuyển thông tin từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn.

Tìm ra bí thuật để bộ não nhớ lâu hơn - hãy nhớ những điều có ý nghĩa

(Ảnh: Verywell Mind)

Kết luận trong nghiên cứu mới cũng tương đồng với chiến lược của các nhà vô địch thế giới về trí nhớ. Bí quyết chiến thắng của họ là tưởng tượng ra những câu chuyện có ý nghĩa phong phú để nhớ các thông tin ngẫu nhiên, ví dụ như trật tự của một bộ bài.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng giúp xác định được bộ phận nào trong não có liên quan tới việc tạo ra hai loại trí nhớ ngắn hạn. Theo tiến sĩ Meltzer, có nhiều cơ chế hỗ trợ trí nhớ ngắn hạn không phụ thuộc việc trí nhớ ngắn hạn dựa trên âm thanh hay ý nghĩa. Một trong các cơ chế trí nhớ này sẽ bị hỏng khi chúng ta bị chấn thương não do đột quỵ hoặc sa sút trí tuệ. Để khắc phục thiệt hại, chúng ta cần học cách tạo ra trí nhớ ngắn hạn bằng phương pháp thay thế. Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn khi ghi nhớ, bạn có thể mang theo một xấp giấy và tập nhẩm lại thông tin cho tới khi có dịp thuận tiện để viết ra giấy.

Các kết quả từ nghiên cứu này được nhóm nghiên cứu sử dụng để tìm hiểu những vấn đề mới như: kích thích não bộ có định hướng giúp tăng cường trí nhớ ngắn hạn cho bệnh nhân đột quỵ, loại trí nhớ nào có thể được điều trị tốt nhất bằng thuốc hay các kỹ thuật kích thích não, làm thế nào để cải thiện những phương pháp điều trị này.

Lượt xem: 95
Nguồn:https://vnreview.vn/thread/tim-ra-bi-thuat-de-bo-nao-nho-lau-hon-hay-nho-nhung-dieu-co-y-nghia.160861 Sao chép liên kết