• :
  • :

Tận dụng bản sắc để tôn vinh văn hóa trên sân khấu múa

Hàng nghìn điệu múa dân gian dân tộc Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để các biên đạo múa vận dụng, sáng tạo vào những sáng tác mới mang hơi thở thời đại, nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam trong sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa đương đại với múa dân gian dân tộc, được đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước đón nhận.

Tiếp thu tinh hoa của múa dân tộc 

Những năm gần đây, các biên đạo múa đã biết tận dụng bản sắc văn hóa để tôn vinh, làm mới hơn ngôn ngữ múa, làm giàu và làm đẹp hơn ngôn ngữ của múa dân gian dân tộc. Đây là hướng đi đúng đắn, bản sắc văn hóa luôn là “dòng chảy” chủ đạo của các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa. Bởi nếu không có bản sắc thì nghĩa là anh cũng đang hòa chung trong một thế giới không màu.

Lấy ví dụ cụ thể tại Liên hoan Múa quốc tế 2024 diễn ra tại TP Huế (Thừa Thiên Huế) tháng 8 vừa qua đã thấy rõ xu hướng của các biên đạo Việt Nam, trong đó có khá nhiều người trẻ. Hầu hết tác phẩm tập trung vào các chủ đề và chất liệu múa dân gian của các dân tộc, vùng, miền khác nhau, kết hợp tinh tế với múa hiện đại, khẳng định sự sáng tạo và tài năng của thế hệ biên đạo và những diễn viên múa trẻ, như: Học viện Múa Việt Nam có thơ múa “Nàng Mây”; Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội là thơ múa “Họa tình nhân gian”; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam giới thiệu vở “Lý ngư vọng nguyệt”... Hai tác phẩm là thơ múa của Học viện Múa Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội giành huy chương vàng liên hoan là phần thưởng xứng đáng và cũng chứng tỏ hình thức thơ múa về mặt thể loại đã được phát triển.

Đều chọn chủ đề tôn vinh truyền thống của làng tranh Đông Hồ, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đưa hồn dân tộc vào thông qua cách kể giá trị đẹp của tranh Đông Hồ bằng ngôn ngữ múa ballet; còn Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội kể giai đoạn loại hình tranh truyền thống này từng bị bỏ quên và giờ đây đang được bảo tồn, phát huy trong sự kết hợp giữa múa đương đại và ballet cổ điển để khai thác thế mạnh, làm sáng câu chuyện như cá chép hóa rồng... Hay Học viện Múa Việt Nam với “Nàng Mây” cũng là chất liệu múa dân gian dân tộc nhưng kết hợp với múa đương đại để kể những câu chuyện về đời sống văn hoá của người Việt gắn với giá trị của mây, tre.

Hình ảnh trong tác phẩm múa “Nàng Mây” của Học viện Múa Việt Nam đoạt huy chương vàng Liên hoan Múa quốc tế 2024. Ảnh: TRẦN HẢI

Có thể khẳng định, chất liệu dân gian dân tộc vẫn là thể loại lớn của nghệ thuật múa Việt Nam từ trước tới nay. Trên sân khấu, bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc Cao Lan, Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, Ê Đê, Ba Na; hay các điệu múa của sân khấu tuồng, chèo... được các biên đạo, diễn viên sáng tạo để kể câu chuyện về đề tài hiện đại, về giữ gìn bản sắc văn hoá giữa cái mới, cái truyền thống hay hơi thở đương đại của ngày hôm nay. Như vậy cũng có nghĩa những tác phẩm múa, thơ múa, tổ khúc múa đều gắn với đề tài của Tổ quốc, của đời sống, của con người đã luôn được các nghệ sĩ chú trọng khai thác, sáng tạo để tôn vinh giá trị văn hóa của người Việt trên sân khấu múa.

Dĩ nhiên, với mỗi đơn vị nghệ thuật hay trường học, họ sẽ biết cách phát huy thế mạnh để khai thác ngôn ngữ thể hiện. Nhưng dù hàn lâm với vẻ bay bổng hòa trộn giữa dân gian dân tộc với ballet cổ điển, ballet đương đại thì đều được các biên đạo hòa trộn rất chặt vào trong bố cục một câu chuyện, nội dung câu chuyện, các lớp lang và hiệu quả đạt được rất tốt. Thể hiện sự tiếp thu tinh hoa dân tộc của các biên đạo, nghệ sĩ múa Việt Nam luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới để làm giàu cho bản sắc văn hóa, tạo nên bức tranh đẹp cho nghệ thuật múa Việt Nam. Đó là những hướng đi tốt.

Sáng tạo phù hợp, định hướng thẩm mỹ công chúng

Hiện nay, thế hệ trẻ rất thích được múa, họ múa hết sức mình và rất say sưa. Kể cả biên đạo, họ đầu tư rất cẩn thận, chỉn chu, cầu toàn. Trong một không gian văn hóa Việt Nam, trong câu chuyện của Việt Nam, trong không gian âm nhạc của Việt Nam đậm tính bản sắc nếu biết cách hòa trộn những ngôn ngữ thể hiện của nghệ thuật múa, trong đó là ngôn ngữ đương đại thì sẽ tạo ra cảm giác, tâm hồn, thẩm mỹ của người Việt Nam. Nhưng ngược lại, nếu dùng sai hoặc dùng quá, chúng tôi hay nói là lạm dụng đương đại thì câu chuyện ấy lại bị gượng. Lấy ví dụ cụ thể ở Liên hoan Múa quốc tế 2024, một số đoàn lấy chất liệu là phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng... nhưng không đạt hiệu ứng cao khi khiến cho người làm nghề và khán giả không cảm nhận được tính chân thực, cái gốc của các điệu nhảy múa đó xuất phát từ dân gian dân tộc. Việc lạm dụng yếu tố, động tác của múa đương đại làm mất đi tính dân tộc, yếu tố tâm lý, tình cảm của người Việt trong tác phẩm.

Thực tế, đưa chất liệu múa dân gian dân tộc Việt Nam vào sáng tác múa đương đại là một việc không dễ dàng. Người biên đạo múa phải nắm bắt được động tác, ngôn ngữ múa dân gian một cách chi tiết, tinh tế để tạo ra ngôn ngữ cho tác phẩm, chưa kể cần phải có các yếu tố quan trọng của những nghệ thuật không thể thiếu được là âm nhạc, mỹ thuật. Một điều vô cùng quan trọng nữa là diễn viên phải giỏi nghề, nắm bắt được hệ thống múa dân gian các dân tộc thật tinh tế và điêu luyện về kỹ năng, kỹ xảo trong từng động tác múa để thể hiện đúng thần thái, phong cách múa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, đứng trước xu thế hội nhập, múa dân gian cần phải có sự sáng tạo để phù hợp với hơi thở của thời đại, đòi hỏi người biên đạo phải tự làm mới mình bằng cách tự trang bị kiến thức văn hóa đa dạng, phát huy mạnh mẽ nội lực, thu thập và vận dụng nhiều kiểu tư duy, nghiên cứu nhiều thủ pháp sáng tác, chắt lọc những cái hay, loại bỏ những điều dở và quan trọng nhất là phải tự hình thành một phong cách riêng, không lẫn vào đâu được.

Điều đáng mừng của nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay là đang có đội ngũ biên đạo trẻ ngày càng hùng hậu, trong đó nhiều người có tài, có những tác phẩm đã tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng. Lợi thế của họ là sức trẻ, được đào tạo bài bản, nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới, dám nghĩ, dám làm. Đây là những yếu tố rất cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, có nhiều loại hình sân khấu mới mà trên đó nhiều loại hình nhảy múa đã xuất hiện như ballet, múa đương đại, hip hop, dance sport... và qua đó, nghệ thuật múa có cơ hội để đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Những tác phẩm múa ngắn nhưng thường chứa đựng thông điệp nghệ thuật rõ ràng và thiên về khai thác yếu tố kỹ thuật, biểu diễn và giải trí cũng có thể giúp người xem nhận thức đúng đắn về nghệ thuật múa. Để sáng tác các tác phẩm múa phải mang hơi thở, phong cách hiện đại nhưng không được rời xa bản sắc dân tộc.

Vậy múa đương đại Việt Nam hiện nay cần thêm những yếu tố gì để phát triển? Cũng giống như múa cổ điển châu Âu và múa dân gian dân tộc, múa đương đại cần tiếp tục được Nhà nước quan tâm, đầu tư hơn nữa. Theo tôi, việc quảng bá, nâng cao nhận thức của nhân dân về múa, trong đó có múa đương đại là rất cần thiết. Việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các chương trình múa đương đại cũng cần tiếp tục được triển khai vì thực tế hiện nay, việc tìm kiếm nhà tài trợ cho các chương trình cũng rất khó khăn và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các tác phẩm múa.

Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân PHẠM ANH PHƯƠNG, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

Tags: múa
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...