• :
  • :

Độc đáo nghi lễ tạ ơn của người Dao Quần Chẹt

Nghi lễ tạ ơn của người Dao Quần Chẹt (Ba Vì, thành phố Hà Nội) đã được tái hiện sinh động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), mang đến một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, thu hút đông đảo du khách tham quan và trải nghiệm.

Theo truyền thống từ bao đời nay của đồng bào, từ mồng 3 đến 29 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình Dao Quần Chẹt tổ chức lễ cúng cuối năm để tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên và Tản Viên sơn thánh đã che chở trong suốt năm qua. Đây là dịp để cộng đồng báo cáo thành quả đạt được và cầu mong may mắn, hạnh phúc cho năm mới.

Chim có tổ, người có tông

Anh Triệu Hùng Cương, Trưởng nhóm người Dao Quần Chẹt chia sẻ về tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đối với người Dao: “Chim có tổ, người có tông. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh mà còn là sự ghi nhớ và tôn vinh những bậc tiền nhân đã bảo vệ, che chở chúng tôi suốt một năm qua”.

Chính vì vậy, lễ cúng của người Dao Quần Chẹt không thể thiếu những nghi thức đặc biệt mang đậm bản sắc dân tộc, từ việc chuẩn bị lễ vật cho đến cách thức thực hiện.

 Mâm cúng Lễ Tạ ơn của người Dao Quần Chẹt.

Khác với các cộng đồng khác sử dụng tiền vàng mã, người Dao Quần Chẹt chọn giấy dó truyền thống để làm tiền âm. Những tệp giấy dó lớn sẽ được cắt thành xấp tiền nhỏ, dâng lên tổ tiên. Các lễ vật còn lại gồm một con lợn, ba con gà, bánh dày, rượu trắng và hương trầm - những món quà thể hiện lòng thành kính và biết ơn.

 Thầy cúng Triệu Tài Vi thực hiện nghi lễ cúng.

Khi nghi thức bắt đầu, thầy cúng Triệu Tài Vi khấn: “Hôm nay, làng dân tộc Dao chúng con tổ chức lễ tạ ơn cuối năm Giáp Thìn 2024. Cầu cho mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh, con cháu học hành thi đỗ, mọi điều xấu được hóa giải để đón năm mới bình an”.

Lời khấn không chỉ là sự mong cầu cho sự nghiệp, mà còn là lời cầu chúc cho sự hòa thuận, bình an trong gia đình, cho cuộc sống thêm phần thịnh vượng. Sau lễ cúng, thầy cúng tiếp tục nghi thức bằng việc rót rượu, đếm tiền âm và làm thủ tục “tung chảo” xin sự đồng thuận từ tổ tiên. Lúc này, gia chủ cũng thực hiện nghi lễ hóa vàng, quét dọn sạch sẽ ngôi nhà, thể hiện sự tôn trọng đối với những điều linh thiêng và cầu mong cho những điều không may mắn sẽ rời xa. 

Thầy cúng Triệu Tài Vi hóa tiền bằng giấy dó cho tổ tiên. 

Anh Cương cho biết thêm: “Người Dao Quần Chẹt tin rằng linh hồn và thể xác có mối liên hệ chặt chẽ. Khi con người qua đời, linh hồn sẽ chuyển sang cõi âm và tiếp tục bảo vệ, phù hộ cho con cháu. Chính vì vậy, nghi lễ thờ cúng tổ tiên là cách để duy trì mối quan hệ này, mang lại sự an lành và thịnh vượng cho gia đình”.

Phong phú thêm sự hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc

Khi tham gia vào nghi lễ Tạ ơn của người Dao Quần Chẹt, rất nhiều du khách không chỉ được chứng kiến một nghi thức tâm linh độc đáo mà còn cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc này.

Bà Đặng Thị Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia vào một nghi lễ truyền thống của người Dao Quần Chẹt. Tôi cảm thấy rất ấn tượng khi thấy họ chuẩn bị lễ vật tỉ mỉ và làm lễ cúng với lòng thành kính, không gian linh thiêng khiến tôi thực sự cảm nhận được sự thiêng liêng trong từng động tác và lời khấn của thầy cúng”.

Còn đối với bà Vũ Thị Nhâm, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, lễ cúng này đã khơi dậy trong bà những ký ức về phong tục xưa của người dân vùng cao.

"Tôi thấy rất cảm động khi chứng kiến nghi lễ này, nó gợi nhớ về những phong tục mà trước đây ông bà tôi vẫn làm, khi cả gia đình cùng nhau thờ cúng tổ tiên vào dịp cuối năm. Qua nghi lễ này, tôi thấy được tình yêu và lòng thành kính của người Dao Quần Chẹt đối với tổ tiên”, bà Nhâm nói.

Sau khi thực hiện xong nghi lễ Tạ ơn, đồng bào Dao cùng thực hiện điệu múa chuông và múa rùa truyền thống, thu hút đông đảo du khách tham quan. 

Nhiều du khách khác cũng cho biết, việc tham gia vào lễ tạ ơn của người Dao Quần Chẹt không chỉ giúp họ tìm hiểu thêm về một phong tục cổ truyền mà còn góp phần làm phong phú thêm sự hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc anh em Việt Nam. Nghi lễ này không chỉ dừng lại ở việc duy trì truyền thống, mà còn là cầu nối giúp cộng đồng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về nhau, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Có thể thấy, lễ tạ ơn của đồng bào Dao Quần Chẹt không chỉ là một nghi lễ truyền thống, mà còn là minh chứng cho sự gắn kết sâu sắc giữa con cháu và tổ tiên, một hành trình gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh. Qua nghi thức này, cộng đồng người Dao Quần Chẹt không chỉ tôn vinh cội nguồn mà còn truyền dạy cho thế hệ sau những bài học về lòng hiếu thảo, sự đoàn kết và ý thức bảo tồn di sản văn hóa, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá truyền thống của dân tộc.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Lượt xem: 8
Nguồn:www.qdnd.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...