Cho những miền quê ngày càng xanh, sạch, đẹp
Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng và khuyến khích các địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Dù còn không ít khó khăn nhưng chất lượng môi trường khu vực nông thôn Thủ đô đang tiếp tục được cải thiện.
Nhiều cách làm hay bảo vệ môi trường
Trước đây, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều bất cập như chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp; chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường; chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh không thu gom, xử lý theo quy định…
Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Những con đường xanh, sạch, đẹp ở xã Hồng Vân. |
Những ngày cuối tháng Tư, Hội Nông dân xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) đã tiến hành lắp đặt thùng đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng thôn An Cảnh. Việc này vừa góp phần làm đẹp cảnh quan, vừa hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn cho người dân khi sản xuất. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Lợi Hà Văn Chí cho biết, xác định mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Hội Nông dân xã Lê Lợi đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như thành lập tổ thu gom rác; tổ chức phong trào vệ sinh môi trường; trồng và chăm sóc cây xanh, phát động toàn dân sử dụng thùng rác có nắp đậy… Mỗi hội viên nông dân đều là những tuyên truyền viên và trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng xanh. Từ những phong trào, hoạt động thiết thực của Hội Nông dân, môi trường xã Lê Lợi đang ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Tương tự, tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), cả xã như một công viên thu nhỏ, trong đó mọi người đều ý thức được rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính mình. Đến xã Hồng Vân, ai nấy đều bị cuốn hút bởi những con đường khang trang, hoa nở bốn mùa. Mỗi tuyến đường là một loại cây đặc trưng như: Cau vua, hoàng yến, bằng lăng, phượng, điệp vàng... Mùa hè, những cây bằng lăng, phượng vĩ đua nhau khoe sắc như tô điểm thêm hương sắc cho một vùng quê. Nhiều gia đình còn xây dựng những vườn hoa, cây cảnh vừa để làm đẹp ngõ xóm vừa để bảo vệ môi trường. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, để có được không gian như vậy, các thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề của xã Hồng Vân đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nhắc nhở, động viên người dân tích cực xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp thông qua việc trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...
Theo đó, Tổ tự quản bảo vệ môi trường làng nghề xã Hồng Vân được thành lập năm 2012, với thành viên là những người có uy tín, tự nguyện, tích cực, Tổ tự quản có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. Kinh phí hoạt động chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. Thông qua việc giúp người dân nhận thức rõ họ vừa là chủ thể, vừa có trách nhiệm thực hiện và thụ hưởng kết quả, công tác bảo vệ môi trường tại xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực. “Người dân đã tự nguyện, đồng lòng ủng hộ công sức, đất đai, tiền của… xây dựng, phát triển hạ tầng làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, kè ao, hồ, các địa điểm vui chơi, văn hóa thể thao công cộng, nghĩa trang nhân dân và trồng hoa, cây cảnh... Từ sự tích cực và gương mẫu đi đầu của các thành viên Tổ tự quản, người dân trong xã đã chung sức xây dựng môi trường làng nghề luôn xanh, sạch, đẹp”, ông Nguyễn Hải Đăng thông tin.
Tiếp tục nâng cao ý thức của người dân
Tại huyện Đan Phượng, trên khắp các cánh đồng cũng tuyệt nhiên không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Theo Chủ tịch Hội nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, có được kết quả này là nhờ cấp cấp Hội Nông dân huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để hội viên nông dân hiểu được lợi ích của việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ trong sản xuất. Cùng với đó, những năm gần đây hầu hết Hội Nông dân các xã trên địa bàn Đan Phượng đều nhân rộng mô hình xử lý phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch làm phân hữu cơ. Đặc biệt là mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ ngay trên đồng ruộng được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng, thực hiện.
Trên thực tế, nhiều “mô hình xanh” do Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Thành phố xây dựng đã lan tỏa rộng khắp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng quê ngoại thành. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”, “Cánh đồng sạch, cánh đồng không đốt rơm rạ”, “Trồng rau hữu cơ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”. Không chỉ xây dựng những “mô hình xanh”, các cấp Hội Nông dân Thành phố còn vận động hội viên tham gia vệ sinh môi trường hằng tuần trên các tuyến đường làng, ngõ xóm và điểm công cộng ở địa bàn thôn, xã. Từ đó đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Môi trường là tiêu chí “mềm”, thực hiện khó, duy trì tiêu chí càng khó đòi hỏi sự tham gia tích cực, liên tục của người dân. Để mỗi miền quê đều sạch đẹp, đảm bảo môi trường sống trong lành rất cần một biện pháp mang tính bền bỉ, lâu dài. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tích cực phối hợp làm tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn Thành phố như: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân chủ động phân loại, xử lý rác tại cộng đồng dân cư và hộ gia đình; tập trung xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng. Có cơ chế, chính sách để tạo nguồn lực cho giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn; phát động phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; trong đó, nội dung chủ yếu hướng vào xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở từng hộ và cộng đồng dân cư./.
Từ những hoạt động đó mà nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường ngày càng nâng lên. Tại nhiều địa phương, người dân đã nhận thức sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã và đang tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng an toàn và đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Trong sản xuất, luôn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tuyên truyền người dân thay đổi thói quen vứt bừa bãi rác, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ra kênh, sông… |