Ảnh ý tưởng vẫn thiếu chiều sâu
Ảnh ý tưởng (hay còn gọi là ảnh ý niệm, ảnh đồ họa) là thuật ngữ chỉ một thể loại nhiếp ảnh đối lập với ảnh hiện thực. Bất kỳ ai có khả năng chụp hình, sử dụng phần mềm để chỉnh sửa đều có thể sáng tác ảnh ý tưởng. Song, để tạo ra bức ảnh ý tưởng độc đáo, có chiều sâu, tác động vào thị giác và nhận thức là không hề dễ dàng. Điều này có thể thấy qua các tác phẩm ảnh ý tưởng tại Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam 2024.
Ảnh ý tưởng chưa có nhiều tác giả sáng tác chuyên sâu, chưa phát triển thành phong trào tạo sức ảnh hưởng, thế nên trong thể lệ cuộc thi, Ban tổ chức cho phép ảnh ý tưởng không có thời hạn sáng tác, trong khi ảnh hiện thực thì phải sáng tác trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong tổng số 9.500 tác phẩm gửi về tham dự cuộc thi, chỉ có 627 tác phẩm ảnh ý tưởng. Số lượng ảnh được chọn để triển lãm chỉ có 50 tác phẩm trong tổng số 250 tác phẩm, trong đó chỉ có 6 tác phẩm ảnh ý tưởng đoạt giải so với 27 giải thưởng thể loại ảnh hiện thực.
![]() |
Tác phẩm “Cứu con với!”. Ảnh: TĂNG HÙNG SƠN |
Đặc trưng của ảnh ý tưởng không phải là phản ánh hiện thực mà là thể hiện một thái độ, triết lý trước hiện thực, ẩn ý sẽ được che giấu đằng sau bức ảnh. Ảnh ý tưởng đòi hỏi phải suy tư về các vấn đề con người, xã hội phức tạp, rộng lớn từ một hình ảnh, biểu tượng cụ thể. Chính vì thế, tác giả phải có kiến thức nền tảng đủ sâu rộng, nhất là triết học; tư duy phải logic bởi một bức ảnh ý tưởng chất lượng không khác nào một tiểu luận bằng hình ảnh. Để sáng tác ảnh ý tưởng, tác giả thường phải có những ý niệm ban đầu, rồi sau đó mượn các biểu tượng, đường nét, sắc độ để hiện thực hóa ý tưởng đó. Từ những điểm trên, có thể thấy ảnh ý tưởng không phải là điểm mạnh của nhiếp ảnh Việt Nam, vì các nghệ sĩ nhiếp ảnh thường duy cảm, duy mỹ, mạnh về tư duy bằng hình ảnh, hình tượng, không mạnh về ý niệm.
So sánh với các tác phẩm ảnh ý tưởng đoạt giải lần trước, 6 bức ảnh ý tưởng đoạt giải năm nay đã có tiến bộ hơn nhiều trong ý tưởng truyền tải cũng như trong việc xử lý hậu kỳ. Tác phẩm “Lối sống hiện đại” (huy chương vàng) với hình ảnh hai người trẻ-một nam, một nữ (dường như là vợ chồng hoặc một cặp đôi đang yêu)-trong bóng tối; gương mặt họ hiện lên nhờ ánh sáng từ màn hình hai chiếc điện thoại di động. Họ ở gần nhau nhưng không chạm mặt nhau, chỉ chăm chú "dán mắt" vào màn hình. Bức ảnh này có hiện thực trần trụi trước mắt nhưng giấu đi nhiều lớp nghĩa về thực trạng thiếu tính gắn kết giữa con người với con người trong thời buổi công nghệ hiện đại lên ngôi.
“Cứu con với!” (huy chương đồng) với hình ảnh cậu bé nằm gục như đang ngủ, bên cạnh là chiếc bát tô trống trơn và một đôi đũa, phía trên cậu bé là màn hình mà trong đó, nhân vật game cầm vũ khí đang chọc vỡ màn hình. Tác phẩm nói lên việc giới trẻ sẽ chẳng có một tương lai tươi sáng nào nếu nghiện game, phụ thuộc vào công nghệ. Đáng nói hơn, nhan đề tác phẩm rất thành công, sự ngắn gọn không chỉ là chú thích cho bức ảnh mà được xem như đã tạo nghĩa thêm cho nó.
Bên cạnh những bức ảnh tương đối thành công, vẫn có thể thấy những hạn chế cố hữu, nhất là để ý tưởng truyền tải quá lộ. Chẳng hạn, tác phẩm “Ước mơ tri thức” (giải khuyến khích) với hình ảnh cậu bé là học sinh, vai đeo ba lô bước lên những bậc thang xếp bằng sách. Xung quanh cậu bé là công thức toán học phức tạp, những trang sách như cánh chim bay lượn, rồi cả những cuốn sách có in hình trái đất và dòng chữ “chìa khóa vàng tri thức”. Chưa bàn đến yếu tố thẩm mỹ, về nội dung, bức ảnh ý tưởng này khá giống với tranh cổ động bởi mọi thứ rõ ràng. Công chúng không được kích thích nghiền ngẫm, thay vào đó, chỉ cần nhìn vào tác phẩm là hiểu ngay thông điệp.
Rõ ràng, không thể một sớm một chiều thúc đẩy phong trào sáng tác ảnh ý tưởng phát triển theo chiều rộng và sớm kết tinh theo chiều sâu. Tuy nhiên, với việc các chuyên ngành nghệ thuật thị giác đang được đào tạo rộng khắp do nhu cầu xã hội, dẫn đến việc một lớp trẻ có kiến thức, thẩm mỹ, nắm bắt công nghệ và kỹ thuật là tiền đề để nở rộ sáng tác ảnh ý tưởng trong tương lai. Quan trọng là phải có đam mê, từ đó, các tác giả mới đào sâu suy nghĩ, học hỏi, giao lưu để nâng cao tri thức. Khi ấy mới có thể nghĩ đến những tác phẩm nhiếp ảnh ý tưởng mang thương hiệu Việt Nam có sức lan tỏa rộng khắp.
CÔNG THIỆN