Vì sao "băng tần vàng" là một lợi thế rất lớn cho Viettel?
Ngày 8-3 vừa qua, trong cuộc đấu giá đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam theo Luật Tần số vô tuyến điện năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2.500-2.600MHz trong vòng 15 năm.
Cuộc đấu giá thực hiện với 3 khối băng tần, mỗi khối có độ rộng 100MHz, bao gồm khối 2.500-2.600MHz, 3.700-3.800MHz và 3.800-3.900MHz. Mỗi doanh nghiệp chỉ được phép trúng tối đa một khối băng tần.
Trong số 3 khối băng tần nói trên, 2.500-2.600MHz được gọi là “tần số vàng” trong ngành viễn thông và cũng là khối đầu tiên được đưa ra đấu giá, đi kèm với mức độ cạnh tranh gay gắt nhất. Mức giá khởi điểm cũng cao gấp khoảng hai lần so với hai khối băng tần còn lại. Cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất của Việt Nam đều tham gia đấu giá khối băng tần này. Điều đó cho thấy mức độ quan trọng và giá trị của khối băng tần 2.500-2.600MHz.
Thiết bị mạng viễn thông 5G do Viettel nghiên cứu, phát triển. Ảnh: TRÀ MY |
Giá trị của “tần số vàng” 2.500-2.600MHz
Giá trị của một tần số phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là dải hoạt động của tần số rộng hay hẹp. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Trong cuộc đấu giá tháng 3-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phát dải tần số 100MHz là dải tần số rộng nhất trong lịch sử Việt Nam. Từ trước đến nay, các nhà mạng vẫn chỉ sử dụng các đoạn tần số có độ rộng tối đa 20MHz. Thứ hai, giá trị các khối băng tần hơn kém nhau ở việc tần số thấp hay cao. Tần số ở dải càng thấp thì sóng di động càng đi xa. Tần số 2.500-2.600MHz mà Viettel trúng đấu giá sẽ phủ sóng xa hơn khoảng 1,3 lần so với hai khối băng tần còn lại.
Sóng di động phủ theo hình tròn 360 độ xung quanh trạm phát sóng. Khi một hình tròn có bán kính lớn hơn 1,3 lần hình tròn khác thì diện tích sẽ hơn 1,69 lần. Nói nôm na, nếu Viettel phủ 100 trạm di động 5G hoặc 4G trên tần số 2.600MHz thì tổng diện tích phủ sóng sẽ tương ứng với 169 trạm di động có cùng công suất tương đương nhưng ở một tần số khác.
2.600MHz còn là một tần số đặc biệt giá trị tại các quốc gia đang ở giai đoạn “giao thời” giữa công nghệ 4G và 5G như Việt Nam, bởi khối băng tần này có thể ứng dụng cho cả hai công nghệ. Trong khi đó, các tần số 3.700-3.800MHz và 3.800-3.900MHz chỉ có thể sử dụng cho 5G.
Hiện tại, Viettel đang có khoảng 40 triệu thuê bao 4G-cao nhất Việt Nam hiện nay và trong 5 năm tới sẽ còn phải dùng nhiều băng tần 4G. Với băng tần mới cùng độ rộng 100MHz, Viettel có thể “thoải mái” dùng một phần cho 4G bên cạnh việc dùng cho 5G. Nhờ đó, Viettel có thể sử dụng băng tần mới ngay lập tức nhằm nâng cao chất lượng dùng mạng 4G cho khách hàng tại các thành phố lớn và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, tất cả thiết bị phát sóng 5G ngày nay khi dùng tần số 2.600MHz đều cho phép chạy đồng thời công nghệ 4G và 5G. Do đó, nhà mạng có thể tùy ý cấu hình thiết bị, phân tỷ trọng dùng cho 4G và 5G theo ý muốn mà không bị lãng phí thiết bị. Đây chính là một ưu điểm đặc biệt của nhà mạng sở hữu “băng tần vàng” khi mà 4G vẫn chiếm ưu thế và là nơi tạo ra lợi nhuận trong nhiều năm tới.
Cán bộ nghiên cứu Viettel đo kiểm thiết bị mạng viễn thông 5G. Ảnh: ĐÀO HOÀNG |
Giá trị của một tần số với mỗi nhà mạng là khác nhau
Một tần số với mỗi nhà mạng lại có giá trị khác nhau, dựa trên thị phần và quy mô triển khai của nhà mạng. Thứ nhất là cách sử dụng. Nhà mạng có thể sử dụng chung cả công nghệ 4G và 5G trên tần số 2.600MHz, hoặc chỉ dùng 5G. Thứ hai là hiệu quả tính trên quy mô. Cùng một tần số, một nhà mạng có vùng phủ lớn sẽ tạo ra dung lượng lớn hơn, phục vụ cho nhiều khách hàng hơn. Trên một khu vực, với số lượng trạm giống nhau, nhà mạng có nhiều khách hàng hơn, có nhu cầu sử dụng lớn hơn sẽ sử dụng băng tần hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, số lượng trạm 5G của Viettel trong tương lai chắc chắn sẽ không thể ít hơn số lượng trạm 4G hiện tại khi nhu cầu trong các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, nhà máy thông minh... ngày càng tăng lên. Đi kèm với đó, giá trị của khối băng tần 2.500-2.600MHz sẽ càng tạo ra giá trị lớn hơn.
Theo thống kê, có khoảng 150 nhà mạng trên thế giới triển khai 5G với tần số 3.500-3.900MHz và chỉ có 18 nhà mạng dùng tần số 2.600MHz. Nhìn sâu hơn có thể thấy, tất cả các nhà mạng triển khai với băng tần 2.600MHz đều là nhà mạng triển khai trong những năm gần đây, họ có lợi thế của người đi sau nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Minh chứng là các nhà mạng đó kinh doanh rất thành công.
Ngoài ra, 100% các loại điện thoại, các thiết bị đầu cuối, thiết bị phát sóng viễn thông của nhà sản xuất thiết bị hàng đầu trên thế giới hiện nay đã hỗ trợ tần số 2.600MHz. Do đó, Viettel sẽ cực kỳ linh hoạt trong quá trình khai thác “băng tần vàng”.
Cũng vì thế, việc đấu giá thành công “băng tần vàng” được coi là một lợi thế rất lớn của Viettel trong việc phát triển và duy trì hiệu quả sản xuất, kinh doanh như kỳ vọng trong 15 năm tới.
THÙY LINH