Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, quản lý: Không để AI dẫn dắt
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những đột phá, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục.
PGS.TS Lê Văn Canh làm diễn giả tại tọa đàm “Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”. Ảnh: TG |
- PGS.TS đánh giá thế nào về việc ứng dụng AI vào dạy - học tiếng Anh?
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng lực tiếng Anh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Từ các phần mềm học tập thông minh, trợ lý ảo đến công cụ chấm điểm tự động, AI không chỉ giúp người học tiếp cận kiến thức một cách chủ động, hiệu quả, mà còn hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy và đánh giá học sinh.
Chẳng hạn, AI có thể cá nhân hóa lộ trình học cho từng học viên dựa trên phân tích dữ liệu về năng lực và nhu cầu học tập. Nhờ khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, AI có thể đưa ra phản hồi tức thì, tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ học viên mà không cần can thiệp trực tiếp của giáo viên.
Ngoài ra, sử dụng AI có thể giúp giáo viên và người học tiếp cận nhanh chóng những kiến thức mới mà không cần mất quá nhiều thời gian. Công việc dịch thuật hay hỗ trợ việc học phát âm, viết bài luận… cùng nhiều hoạt động khác trong quá trình học tập cũng không khó khăn như trước.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, việc ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có giải pháp phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng công nghệ này.
- Sự xuất hiện của AI trong việc dạy và học tiếng Anh khiến nhiều người lo ngại, liệu vài năm nữa, các thầy, cô giáo dạy tiếng Anh có bị thất nghiệp?
- Phải khẳng định rằng, trong giáo dục, AI không thể thay thế thầy, cô giáo, bởi dạy học trực tiếp mang lại cảm xúc, sự sáng tạo của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, ngày nay, vai trò thầy cô đã khác, đòi hỏi sự thay đổi, phối hợp với AI để dạy học.
Sự thông minh và những tiến bộ không ngừng của AI đã khiến không ít ngành nghề bị “đe dọa”, trong đó có lĩnh vực dạy học ngoại ngữ. Do vậy, mỗi giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh cần chủ động để không bị đe dọa bởi AI. Ở giai đoạn hiện nay, giáo viên có thể sử dụng AI như một công cụ để hỗ trợ công việc cho mình. Giáo viên và các nhà quản lý cũng cần suy nghĩ để thay đổi phương pháp dạy học.
- Dường như nhiều thầy, cô giáo đang lạm dụng AI vào việc dạy học của mình?
- Tôi cũng nghĩ vậy. Mỗi người đều biết mình gặp vấn đề cần giải quyết. Để giải quyết thì sử dụng công nghệ nào phù hợp và làm sao sử dụng cho hiệu quả. Tất nhiên, nếu lạm dụng quá sẽ không tốt.
Bất cứ cái gì dù tốt đến đâu nhưng lạm dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích đều có kết quả không mong đợi, thậm chí phản tác dụng. Do đó, thầy, cô giáo phải hiểu và làm chủ công nghệ, phải biết vấn đề của mình là gì, công nghệ nào phù hợp và dùng nó để hỗ trợ công việc một cách hợp tình.
Ở chiều ngược lại, nếu để công nghệ hay AI dẫn dắt giáo dục là nguy hiểm. Ngành Giáo dục nói chung và bản thân mỗi thầy, cô giáo nói riêng phải chủ động để sử dụng công nghệ theo mục đích của mình, nhằm mang lại hiệu quả và giá trị như mong đợi. Còn nếu chúng ta chạy theo AI là không được.
AI không thể thay thế hoàn toàn giáo viên, nhưng như tôi phân tích, nếu các thầy, cô giáo không làm chủ công nghệ, không học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ và năng lực sư phạm thì AI có thể “xâm lấn” và “đe dọa” công việc giảng dạy của giáo viên.
- PGS.TS nhìn nhận như thế nào về cuộc đua học tiếng Anh để có chứng chỉ IELTS như hiện nay?
- Tôi cho rằng: Thứ nhất, truyền thông hoặc dư luận xã hội đang tạo cho phụ huynh hiểu nhầm về kết quả cao IELTS là tài năng. Thực tế không phải như vậy, bởi thi IELTS khác với việc dùng tiếng Anh bên ngoài.
Chẳng hạn khi viết một bài luận bằng tiếng Anh, người học có thể đạt được điểm số cao, nhưng điều đó chỉ đo được một lát cắt. Thực tế, có trường hợp, học sinh đạt IELTS cao nhưng gặp khó khăn khi giao tiếp, thậm chí không thể viết bài luận có cảm xúc và thuyết phục.
Thứ hai, nếu chỉ có tiếng Anh giỏi thì chưa đủ. Tiếng Anh giúp chúng ta hội nhập quốc tế. Song, muốn vươn ra thế giới để mang về những lợi thế cho mình thì cần có nhiều yếu tố cần và đủ. Giống như trên một chuyến bay, có người đi ra nước ngoài mang theo những hợp đồng, đến khi quay về mang lại thương vụ tiền tỉ. Có người mang theo các ý tưởng, khi quay về là những cải tiến mới có giá trị. Cũng có những người mang theo một vali mì tôm, đến khi quay về tay trắng.
Tiếng Anh là phương tiện đưa chúng ta ra thế giới bên ngoài nhưng nếu chỉ có tiếng Anh cũng không làm được gì. Vì thế, phụ huynh cần nhận thức rằng, có nhất thiết ép con mình đạt điểm IELTS cao để đi du học không? IELTS có thực sự giúp con bạn du học thành công? Chúng ta chỉ nhìn thấy thiểu số nào đó đi du học về làm việc nọ, kia, nhưng không biết tỷ lệ đó/số lượng là bao nhiêu. Chúng ta cũng không biết rằng, số người học trong nước thành công là bao nhiêu để so sánh.
Lâu nay, phụ huynh có mối quan tâm đặc biệt đến tiếng Anh. Chuyện đó không sai, nhưng cần hiểu rõ vai trò của tiếng Anh đến đâu. Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, các công cụ về ngôn ngữ như AI phát triển mạnh mẽ và có thể hỗ trợ người dùng hiệu quả. Ngay cả khi đi du lịch tại một đất nước xa lạ, chúng ta cũng không cần tới phiên dịch viên mà vẫn có thể giao tiếp bình thường nhờ các phần mềm hỗ trợ.
Do đó, phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại, có nên “chạy đua” việc học tiếng Anh cho con và có nên “ép” luyện IELTS cao hay không? Liệu những thành tích đó có đảm bảo chắc chắn con mình thành công trong tương lai? Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng những hệ lụy nhãn tiền khi phụ huynh chạy đua theo tâm lý đám đông là tốn kém tiền bạc, chiếm quá nhiều thời gian, gây ra sức ép không cần thiết lên con trẻ.
- Hiện nay, chứng chỉ IELTS là tấm vé để vào nhiều trường đại học, PGS.TS nghĩ sao về vấn đề này?
- Đúng vậy! Nhưng cũng nên đặt lại vấn đề, tại sao các trường lại lấy IELTS làm chuẩn để xây dựng tiêu chí xét tuyển đầu vào. Tôi cho rằng, trên phương diện nào đó, vô hình trung tạo ra sự mất công bằng trong xét tuyển đại học.
Ví dụ, học sinh ở miền núi, nhiều em học giỏi nhưng không có điều kiện để thi IELTS. Còn học sinh Hà Nội hay các thành phố lớn, có khi học không giỏi bằng nhưng có điều kiện học tiếng Anh, thi điểm IELTS cao nên được ưu tiên khi xét tuyển đại học. Như vậy tạo ra sự bất công bằng.
Dường như chúng ta đang thiếu sự điều hành ở tầm vĩ mô và đánh giá khách quan về việc dùng IELTS làm tiêu chuẩn tuyển sinh là tốt hay không. Các trường đã có tổng kết nào về việc những sinh viên có điểm IELTS cao học tốt hơn những bạn không có chứng chỉ này. Tôi cho rằng, cần có những chính sách và điều tiết phù hợp.
- PGS.TS nhìn nhận như thế nào khi chúng ta đặt ra mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học?
- Kết luận số 91-KT/TW của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...”.
Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, việc dạy và học tiếng Anh ngày càng được quan tâm. Điều này không chỉ xuất hiện trong những cơ sở giáo dục, mà lan tỏa sâu rộng, tích cực trong học sinh, phụ huynh.
Chúng ta xác định từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là đúng. Tuy nhiên, hiểu từng bước như thế nào cần làm rõ. Từng bước ở đây có thể bắt đầu bằng lộ trình, đòi hỏi sự tính toán kỹ càng. Chẳng hạn, học sinh tiểu học sẽ học thế nào, lên THCS - THPT và đại học học ra sao. Chúng ta cần tạo lộ trình thống nhất. Trong đó, cần tập trung vào thay đổi chương trình, đào tạo giáo viên.
Nhìn chung, để thực hiện mục tiêu trên không dễ và có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bởi khi đó, không chỉ giáo viên tiếng Anh mà các giáo viên khác cũng phải dạy được môn học bằng tiếng Anh. Trong khi đó, thực trạng dạy và học tiếng Anh ở các trường học thuộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là “điểm trũng” của đa số học sinh.
- Xin cảm ơn PGS.TS!
“Ngoài khả năng tiếng Anh, mỗi người cần có nhiều kỹ năng, năng lực quan trọng khác để có thể tự tin, làm chủ cuộc sống. Việc rèn các kỹ năng quan trọng hơn rất nhiều các con số và thành tích”, PGS.TS Lê Văn Canh nhấn mạnh.