• :
  • :

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, "vua phân khúc xe điện siêu nhỏ" tiến quân vào Đông Nam Á

Theo ước tính của Statista, từ năm 2021 đến năm 2027, quy mô thị trường xe điện toàn cầu sẽ tăng hơn 4 lần, đạt khoảng 1,4 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm khoảng 19,19%.

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, 'vua phân khúc xe điện siêu nhỏ' tiến quân vào Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ngoài các thế lực mới trong ngành sản xuất ô tô, các OEM truyền thống như Volkswagen, GM, BMW và Mercedes-Benz cũng đã bước vào đường đua xe điện và cuộc cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên khốc liệt.

Thị trường xe điện Trung Quốc dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 14,18% từ năm 2023 đến năm 2027, và quy mô thị trường sẽ đạt 323,6 tỷ USD vào năm 2027.

Đường đua ngày càng trở nên cạnh tranh kể từ khi Trung Quốc bắt đầu sản xuất xe điện tốc độ thấp vào năm 2007. Wuling Hongguang MiniEV là nhà vô địch về doanh số bán xe thuần điện thương hiệu Trung Quốc trong gần 30 tháng liên tiếp. Và trong lịch sử, nhiều mẫu xe do công ty mẹ SAIC-GM-Wuling tung ra thị trường đã từng là những mẫu xe hot nhất trong phân khúc.

Theo nhận định của hai chuyên gia Mẫn Ngạn Băng - Giám đốc điều hành của Beihan Strategy Consulting, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tiếp thị Trung Quốc thuộc Đại học Phúc Đán - và Phó giáo sư Chử Vinh Vĩ - Phó trưởng khoa Khoa Tiếp thị của Học viện Quản lý, kiêm Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Tiếp thị Trung Quốc thuộc Đại học Phúc Đán, cách duy nhất để một công ty duy trì lợi nhuận ổn định là cần bắt đầu đổi mới ngay khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty vẫn còn mạnh.

Đổi mới mang tính đột phá của Wuling

Theo hai chuyên gia, để hiểu liệu SAIC-GM-Wuling có thực hiện một đổi mới mang tính đột phá hay không, trước tiên cần phải bắt đầu với thị trường mục tiêu ban đầu của Wuling Hongguang MiniEV.

Tại các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc của Trung Quốc, có ngành công nghiệp xe điện tốc độ thấp thường được người dân địa phương gọi với cái tên "Laotoule". Đây là một phương tiện giao thông độc đáo do Trung Quốc sản xuất nhưng lại bị chỉ trích vì vấn đề an toàn.

Hầu hết các sản phẩm xe điện tốc độ thấp đều không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của xe cơ giới hiện hành tại Trung Quốc; sử dụng xe điện không có giấy tờ, bằng lái xe, bảo hiểm, vi phạm nghiêm trọng các quy định có liên quan của pháp luật Trung Quốc hiện hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông đường bộ.

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, 'vua phân khúc xe điện siêu nhỏ' tiến quân vào Đông Nam Á - Ảnh 2.

Xe điện tốc độ thấp “Laotoule" thường bị chỉ trích vì vấn đề an toàn. Ảnh: Baidu

Tháng 11/2018, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cùng sáu bộ và ủy ban khác của Quốc vụ viện Trung Quốc đã cùng ban hành "Thông báo về việc tăng cường quản lý xe điện tốc độ thấp", yêu cầu tất cả các địa phương tổ chức chấn chỉnh vấn nạn xe điện tốc độ thấp, nghiêm cấm mở rộng sản xuất xe điện tốc độ thấp, tăng cường quản lý tiêu chuẩn hóa xe điện tốc độ thấp và hoạt động sản xuất mới xe điện tốc độ thấp sẽ bị đình chỉ từ tháng 1/2019.

Tuy nhiên, liên doanh SAIC-GM-Wuling nhận thấy rằng ngoài việc sử dụng ô tô để di chuyển quãng đường trung bình và dài, vẫn còn một số lượng lớn các tình huống di chuyển quãng đường ngắn với bán kính 10 - 20 km, chẳng hạn như đi làm, đón con…

Trước nhu cầu di chuyển quãng đường ngắn của người dân và cơ hội thị trường do việc kiểm soát xe điện tốc độ thấp của chính quyền mang lại, Wuling đã nâng cấp "Laotoule" và tạo ra một phân khúc mới - xe điện quãng đường ngắn.

Tháng 7/2020, mẫu xe Wuling Hongguang MiniEV chính thức ra mắt thị trường Trung Quốc, giá bán dao động từ 28.800 đến 38.800 nhân dân tệ (CNY, khoảng 94 – 127 triệu VNĐ).

Ngoài ra, SAIC-GM-Wuling cũng đơn giản hóa quy trình sản xuất xe thương mại, tiết giảm chi phí và thay thế pin lithium thường được sử dụng bởi các công ty lớn chuyên sản xuất xe năng lượng mới bằng pin lithium iron phosphate tiêu thụ ít năng lượng hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn, giúp giảm đáng kể chi phí thành phẩm và giá bán.

Về các kênh quảng cáo, SAIC-GM-Wuling chủ động tránh các phương tiện đánh giá thường được sử dụng bởi các công ty ô tô truyền thống, mà vay mượn các phương thức quảng cáo của nhóm hàng tiêu dùng nhanh và thiết bị gia dụng kỹ thuật số... mang giá trị sáng tạo cao.

Khai phá thị trường mới giữa cạnh tranh gay gắt

Theo Yicai News, sau Hongguang MiniEV, rồi đến các mẫu xe GAMEBOY, Macaron… SAIC-GM-Wuling gần đây đã tung ra mẫu Air ev Qingkong với mức giá từ 67.800 đến 82.800 CNY (222 - 271 triệu VNĐ) tại thị trường Trung Quốc, đây là mẫu xe điện siêu nhỏ có giá khởi điểm cao nhất hiện tại của SAIC-GM-Wuling. Trước đó, phiên bản tay lái bên phải của Air ev Qingkong đã được ra mắt tại Indonesia.

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, 'vua phân khúc xe điện siêu nhỏ' tiến quân vào Đông Nam Á - Ảnh 3.

300 mẫu xe Air ev Qingkong của SAIC-GM-Wuling phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 diễn ra vào tháng 11/2022 tại Bali, Indonesia. Ảnh: Wuling

Trương Ích Cần - Giám đốc tiếp thị và thương hiệu SAIC-GM-Wuling - cho biết, vị trí của Air ev Qingkong cao hơn Hongguang MiniEV và nó sẽ đóng vai trò là "chiếc xe thứ hai trong một gia đình khá giả".

Đối với SAIC-GM-Wuling, xe điện siêu nhỏ đã trở thành một trong những sản phẩm quan trọng nhất của hãng. Theo Nhật báo Trung Quốc, doanh số bán xe điện Wuling Hongguang MiniEV năm 2022 đạt 554.000 chiếc, xếp số 1 về doanh số xe năng lượng mới toàn cầu.

Nhờ doanh số của xe điện siêu nhỏ, SAIC-GM-Wuling đã trở thành một trong ba công ty hàng đầu thế giới về xe thuần điện. Theo dữ liệu của TrendForce, SAIC-GM-Wuling chiếm 7,6% thị trường xe thuần điện toàn cầu năm 2022, chỉ đứng sau Tesla và BYD.

Tuy nhiên, theo Báo Quan sát Tài chính Trung Quốc, trên thị trường xe điện siêu nhỏ, SAIC-GM-Wuling đang phải đối mặt với nhiều áp lực do tốc độ tăng trưởng của thị trường chậm lại và chi phí nguyên liệu thô tăng cao.

Năm 2022, tổng doanh số bán hàng của SAIC-GM-Wuling đã giảm từ 1,76 triệu xuống còn 1,6 triệu chiếc. Riêng với mẫu xe Wuling Hongguang MiniEV, doanh số bán cộng dồn từ tháng 1 đến tháng 4/2023 chỉ đạt 87.928 chiếc, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi Wuling Hongguang MiniEV trở nên phổ biến, nhiều công ty ô tô Trung Quốc đã tung ra các sản phẩm xe điện siêu nhỏ tương tự, trong số đó có Dongfeng Fengguang MiniEV, Chery QQ Ice Cream, Changan LUMIN… với định vị phân khúc và mức giá rất gần nhau, bắt đầu chiếm lĩnh thị phần của Wuling Hongguang MiniEV. Ngoài ra, BYD cũng được đồn đoán sẽ ra mắt một mẫu xe điện giá rẻ với tên gọi Seagull trong thời gian tới.

Ngoài ra, thị trường xe động cơ đốt trong phân khúc nhập môn tại Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi gần đây.

Trong một cuộc phỏng vấn của Yicai News, người phụ trách khu vực phía Bắc Trung Quốc của một công ty ô tô thương hiệu độc lập tại nước này cho biết, trong vài năm qua, doanh số của những mẫu xe động cơ đốt trong có giá bán từ 50.000 đến 60.000 CNY (164 - 197 triệu VNĐ) đã giảm rất nhiều do bị ảnh hưởng bởi xe điện siêu nhỏ, nhưng mức độ phổ biến của các mẫu xe đó đã có dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2022.

Trong bối cảnh cạnh tranh tại nội địa Trung Quốc ngày càng khốc liệt, xuất khẩu đã trở thành lựa chọn chính của SAIC-GM-Wuling. Trước khi Air ev Qingkong ra mắt trong nước, phiên bản tay lái bên phải của xe đã được ra mắt tại Indonesia vào tháng 6/2022. Và không giống như hầu hết các sản phẩm xe năng lượng mới được xuất khẩu dưới dạng xe nguyên chiếc, mẫu xe này được lắp ráp tại nhà máy của Wuling ở Indonesia.

Tại Việt Nam, mẫu xe Wuling Hongguang MiniEV sẽ được ra mắt vào ngày 29/6/2023. TMT Motors là đơn vị ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với SAIC-GM-Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe này tại thị trường trong nước. Các linh kiện ban đầu sẽ được cung cấp bởi Trung Quốc và sau đó được TMT Motors lắp ráp tại nhà máy ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Thị trường Trung Quốc cạnh tranh gay gắt, 'vua phân khúc xe điện siêu nhỏ' tiến quân vào Đông Nam Á - Ảnh 4.

Mẫu xe Wuling Hongguang MiniEV được sản xuất tại nhà máy của TMT Motors. Ảnh: TMT Motors

Giám đốc điều hành cấp cao của một công ty sản xuất xe năng lượng mới trong một cuộc phỏng vấn cho biết, Đông Nam Á có dân số đông nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô thấp. Trong quá khứ, tại Đông Nam Á, các thương hiệu ô tô Nhật Bản, chiếm ưu thế tuyệt đối. Nhưng trong những năm gần đây, chính phủ các nước Đông Nam Á đang thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm lượng khí thải carbon trong giao thông vận tải, điều này tạo cơ hội cho các công ty ô tô Trung Quốc thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Theo Hữu Hiển

Lượt xem: 14
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...