• :
  • :

Số hóa trong xử lý vi phạm giao thông: Thúc đẩy sự minh bạch, an toàn, văn minh

Hệ thống GPS, camera “phạt nguội”, ứng dụng định danh điện tử VNeID, cơ sở dữ liệu trực tuyến… dần trở thành những “cánh tay nối dài” hữu hiệu của cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm giao thông đường bộ, giúp phát hiện kịp thời vi phạm, tăng tính răn đe xã hội, khiến mỗi người tham gia giao thông phải luôn tự giác chấp hành pháp luật.

Công nghệ thông tin giúp công tác xử lý vi phạm giao thông trở nên thuận tiện, minh bạch hơn trước đây. (Ảnh: Cục CSGT)
Công nghệ thông tin giúp công tác xử lý vi phạm giao thông trở nên thuận tiện, minh bạch hơn trước đây. (Ảnh: Cục CSGT)

 

Nâng cao tính an toàn cho người thi hành công vụ

Số hóa là giải pháp quan trọng không chỉ giúp tăng cường hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, mà còn góp phần bảo vệ, nâng cao tính an toàn cho những người thi hành công vụ. Thực tế cho thấy, công tác xử lý vi phạm giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đối với chính những cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT).

Mới đây vào ngày 18/7, tại Km61 quốc lộ 17, thuộc xã Tiền Phong (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang yêu cầu một đối tượng dừng xe kiểm tra nồng độ cồn thì người này đã tăng ga xe máy và đâm trực diện vào một cán bộ CSGT rồi bỏ chạy. Hậu quả, chiến sĩ CSGT bị gãy chân. Trước đó, ngày 16/5, trên quốc lộ 48E, đoạn qua xã Nghi Khánh, một nam thanh niên chạy xe máy lao vào tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn khiến một trung tá CSGT huyện Nghi Lộc, Nghệ An gãy chân.

Nhiều người điều khiển phương tiện khi được yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm, thay vì tuân thủ luật pháp và phối hợp với cơ quan chức năng, lại có những hành vi thiếu hợp tác, từ việc dùng ngôn từ chống đối, thậm chí chửi bới, đến các hành vi manh động như xô xát, tấn công, cố ý gây thương tích cho các cán bộ, chiến sĩ CSGT. Hiện tượng này không phải hiếm gặp. Thậm chí, nhiều đối tượng còn đăng tải các video clip, hình ảnh lên mạng xã hội để bôi xấu lực lượng CSGT, hoặc hướng dẫn những người khác cách “cãi lại” CSGT.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 78 vụ chống lại lực lượng CSGT khi thi hành công vụ, làm 27 đồng chí bị thương. Số vụ này tăng 45 vụ, tức khoảng 136% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, có nhiều vụ liên quan người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia.

Tình trạng này có thể được cải thiện thông qua việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông nói riêng và toàn ngành Giao thông nói chung. Điển hình, việc áp dụng, lắp đặt thêm nhiều camera giám sát đã giúp lực lượng CSGT thực hiện “phạt nguội’ nhiều trường hợp vi phạm mà không cần tiếp xúc trực tiếp.

Trong 5 ngày từ 16/7 - 20/7, Cục CSGT cho biết, lực lượng đã phát hiện hơn 700 vi phạm qua ghi hình trên các tuyến cao tốc, tước hơn 331 bằng lái xe và xử phạt 2,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm vi phạm về tốc độ, dừng đỗ không đúng quy định, điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và chuyển làn không đúng quy định. Danh sách phương tiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được công bố trực tuyến, căn cứ là hình ảnh vi phạm được ghi nhận qua camera giám sát.

Pháp luật càng nghiêm, người dân càng phải ý thức

Trong bối cảnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin là bước đi tất yếu để cải thiện hiệu quả quản lý giao thông, giảm thiểu vi phạm và tai nạn. Song song, việc kịp thời ban hành các quy định pháp luật, chế tài xử phạt nghiêm minh thích ứng với thực tế cũng rất cần thiết.

Một ví dụ là tại TP HCM, Sở Giao thông vận tải đã triển khai hệ thống giám sát hành trình (GPS) để xử lý nghiêm các xe khách, xe container vi phạm tốc độ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã thu hồi phù hiệu của 10.032 xe vi phạm tốc độ qua trích xuất từ hệ thống GPS và từ chối cấp phù hiệu cho 2.820 phương tiện vi phạm chưa truyền dữ liệu GPS.

Đáng nói, Nghị định số 41/2024/NĐ-CP được ban hành vào 16/4/2024, có hiệu lực từ tháng 6, hiện đang là căn cứ pháp lý quan trọng để khắc phục các bất cập trong việc xử lý xe vi phạm qua hệ thống GPS. Nghị định này quy định thời gian cấp lại phù hiệu sau 30 ngày hoặc 60 ngày nếu vi phạm lần thứ 2 trong 6 tháng liên tục và sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn nếu trong một tháng có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, Thông tư số 28/2024/TT-BCA được ban hành vào ngày 29/6/2024 cũng có nhiều quy định mới giúp CSGT kiểm tra và xử lý thông tin giấy tờ trên VNeID và các cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý, bảo đảm việc tạm giữ, tước giấy tờ được thực hiện trên môi trường điện tử và cập nhật thông tin đồng bộ.

Như vậy, pháp luật đang ngày càng chặt chẽ và hoàn thiện hơn. Với sự giúp đỡ của công nghệ, công tác xử lý vi phạm giao thông sẽ ngày càng cải thiện theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Việc số hóa xử lý vi phạm giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của cả cơ quan chức năng và người tham gia giao thông khi toàn bộ quy trình xử phạt được ghi lại và lưu trữ trên hệ thống.

Trong tương lai, quá trình ứng dụng công nghệ số trong quản lý giao thông sẽ tiếp tục được mở rộng. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa công nghệ và ý thức tự giác của người dân mới là “chìa khóa” để giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ tính mạng con người.

Lượt xem: 4
Tác giả: Đỗ Trang