Mục tiêu kinh tế và công nghệ đầy táo bạo của Trung Quốc
Trong bài viết mới đăng trên tờ South China Morning Post, cây bút William Zheng nhận định, Trung Quốc đang hướng tới các mục tiêu kinh tế và công nghệ đầy táo bạo trong thập kỷ tới và cũng đã ấn định thời điểm để nghiên cứu chi tiết về vấn đề này.
Các mục tiêu của Trung Quốc trong vòng 10 năm tới trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến phát triển xã hội và xây dựng nhà nước, được đề cập trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước.
Du khách xem robot chơi đàn piano tại một sự kiện ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tháng 5-2023. Ảnh: Tân Hoa xã |
Theo Tân Hoa xã, từ ngày 15 đến 18-7 tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 tại Bắc Kinh, nhằm xem xét các vấn đề liên quan đến cải cách sâu rộng, toàn diện hơn nữa và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc. Hội nghị này sẽ đề ra một loạt mục tiêu trước mắt mà Trung Quốc cần đạt được vào năm 2035. Đây là những mục tiêu then chốt để Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ cũng như các nền kinh tế phát triển khác, đồng thời tìm kiếm chỗ đứng vững chắc hơn trong chuỗi giá trị cao cấp, từ đó phục vụ cho mục tiêu trở thành siêu cường kinh tế và công nghệ.
“Đến năm 2035, nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao sẽ được thiết lập hoàn chỉnh, hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc sẽ được hoàn thiện hơn nữa, việc hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị cũng sẽ đạt được phần lớn”, Tân Hoa xã nêu rõ.
Phân tích cụ thể hơn, nhà nghiên cứu cấp cao Xie Maosong tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa cho rằng, Trung Quốc sẽ có một nền kinh tế được thúc đẩy bởi công nghệ, duy trì khả năng cạnh tranh trên thế giới, có khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài và tạo ra đủ việc làm nhằm mang lại cho người dân Trung Quốc mức sống tốt hơn và thu nhập ngày càng tăng. “Điều đó cũng có nghĩa là chính phủ phải có khả năng nhận biết các vấn đề kinh tế tiềm ẩn phía trước và giải quyết chúng trước để tránh tình trạng bất ổn kinh tế lớn”, ông Xie Maosong nói.
Tân Hoa xã cho biết thêm, kế hoạch mà Trung Quốc đề ra cũng nhằm mục đích cải thiện hệ thống quản trị quốc gia, đồng thời duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cải cách cần được tiến hành một cách “có hệ thống, toàn diện và đồng bộ".
Một mẫu ô tô bay được giới thiệu tại Hội chợ công nghệ cao Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông, tháng 11-2023. Ảnh: Tân Hoa xã |
Bert Hofman, thành viên danh dự cao cấp về kinh tế Trung Quốc tại Viện Chính sách xã hội châu Á thì cho rằng, phiên họp sắp tới tại Bắc Kinh sẽ mang tính quyết định trong việc xác định các chính sách kinh tế của Trung Quốc trong một thập kỷ tới. Ông nhấn mạnh, đã có sự thừa nhận rộng rãi trong giới lãnh đạo Trung Quốc, rằng: “Những cải cách hơn nữa trong hệ thống kinh tế là điều cần thiết để đạt được tăng trưởng chất lượng cao”.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc gần đây thông báo sẽ xây dựng kế hoạch hành động và phân bổ nguồn lực để đưa Trung Quốc trở thành siêu cường khoa học vào năm 2035. Thông báo này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà nghiên cứu của nước này “đi đầu đổi mới” trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng và đạt được những đột phá trong các điểm nghẽn công nghệ, nơi mà ông gọi là “chiến trường chính” trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường.
“Bây giờ chúng ta chỉ còn 11 năm để đạt được mục tiêu... Chúng ta phải tính toán từng ngày, làm việc chăm chỉ và từng bước biến mục tiêu chiến lược này thành hiện thực với quyết tâm vững chắc và ý chí kiên cường”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, đồng thời viện dẫn câu nói của người Trung Quốc, đó là “10 năm để mài một thanh kiếm”.
TRUNG DŨNG