Hiệu quả bước đầu từ các mô hình chuyển đổi số
Hà Nội với quy mô hơn 10 triệu dân, việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong hai năm 2022-2023, Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức triển khai CĐS của các cơ quan nhà nước. Năm 2024, Hà Nội xác định CĐS với chủ đề của năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”, hướng đến phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: Với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội đã có định hướng cụ thể bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về CĐS, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND thành phố về CĐS, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về triển khai thí điểm mô hình CĐS điển hình tại các cơ quan nhà nước thành phố. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị thực hiện bao gồm: Sở Giao thông vận tải, Cục Thuế TP Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị và UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên. Quá trình xây dựng kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội trực tiếp khảo sát tại nhiều quận, huyện, từ đó xây dựng 39 mô hình chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... của thành phố.
Người dân sử dụng dịch vụ công tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính quận Long Biên. |
Tới nay, công tác CĐS của Hà Nội đạt được một số thành tựu bước đầu. Nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”). Một số quy chế quan trọng được tham mưu ban hành như quy chế bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động của các hệ thống thông tin của thành phố; quyết định danh mục dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp;... Đặc biệt, lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và Điều hành TP Hà Nội; 100% cơ quan nhà nước thành phố triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố 3 cấp được kết nối với Trung ương...
Cùng với đó, trong năm 2023, một số mô hình CĐS đã được các đơn vị đề xuất, tổ chức triển khai thí điểm hiệu quả như: Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt của quận Hoàn Kiếm; tuyến đường thanh toán thông minh của thị xã Sơn Tây; thanh toán không dùng tiền mặt tại các nhà trường, chợ, tại bộ phận một cửa quận, phường và chi trả lương hưu, người hưởng chính sách an sinh xã hội; ứng dụng mua bán không dùng tiền mặt tại chợ Sấu-Hoài Đức; mô hình xã, phường CĐS đang được một số đơn vị bước đầu triển khai tại Hoài Đức, Long Biên và nhiều quận, huyện, sở, ngành của thành phố.
Nhấn mạnh năm 2024, Hà Nội xác định CĐS với chủ đề của năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn cùng chung tay, thực hiện thành công các mục tiêu CĐS, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của CĐS. Tất cả hoạt động đều hướng tới mục tiêu người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, phục vụ kịp thời, hiệu quả.
Bài và ảnh: KHÁNH AN